Hà Nội đảm bảo nguồn lực chi cho đầu tư phát triển
Nguồn: UBND TP. Hà Nội Đồ họa: Văn Chung
Chủ tịch TP.Hà Nội: Giải ngân chậm là có lỗi với người dân Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công trung hạn đạt hơn 85,3% kế hoạch Hà Nội: Giải ngân tín dụng cho cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập

Tăng chi nhiều nhiệm vụ quan trọng

Số liệu từ UBND TP. Hà Nội cho thấy, nửa đầu năm 2023, ngân sách thành phố vẫn đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch và nguồn kinh phí cho các sở, ngành, đơn vị và các quận, huyện, thị xã để thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng qua trên 38.600 tỷ đồng, đạt 36,8% dự toán giao đầu năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 15.931 tỷ đồng, đạt 33,9% dự toán, tăng 47,8%.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều khởi sắc, đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2022. Chi thường xuyên ước thực hiện khoảng 22.669 tỷ đồng; đạt hơn 40% dự toán và tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực chủ yếu trong chi thường xuyên ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm là chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề; các hoạt động kinh tế; quản lý hành chính nhà nước; đảm bảo xã hội; chi y tế, dân số và gia đình; bảo vệ môi trường… đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông qua nghị quyết về mức chi đối với 12 nội dung

Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Hà Nội, gồm 12 nội dung; trong đó quy định nội dung, mức chi đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố…

UBND TP. Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và HĐND thành phố, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phải kịp thời, phân bổ giao dự toán ngân sách năm 2023 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) để các đơn vị có kinh phí triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm.

Đồng thời, thực hiện quản lý, điều hành chi ngân sách bám sát dự toán được HĐND thành phố giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng điểm như đường vành đai 4, các dự án giao thông, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (y tế, di tích và giáo dục)… Ngân sách các cấp chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách theo dự toán ngân sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc.

Chi thường xuyên đã bám sát dự toán được giao, ngân sách đảm bảo kịp thời kinh phí cho các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, đặc biệt là các nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, các chính sách an sinh - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất khác phát sinh như: kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế; kinh phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người nhiễm Covid-19...

Tích lũy nguồn lực chi đầu tư phát triển

Hà Nội đảm bảo nguồn lực chi cho đầu tư phát triển

6 tháng cuối năm, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục quản lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực và giữ vững cân đối ngân sách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2023, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho biết, 6 tháng cuối năm, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục quản lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực và giữ vững cân đối ngân sách; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; dứt điểm xử lý các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Để đạt mục tiêu đó, ông Hà Minh Hải cho biết, UBND TP. Hà Nội chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương các cấp, tổ chức chi ngân sách theo dự toán, khả năng thu ngân sách và tiến độ thực hiện một số nguồn thu gắn với dự toán chi đầu tư phát triển.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng cân đối hợp lý nguồn thu từ thuế, phí cho chi thường xuyên, góp phần tích lũy nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, quản lý chặt chẽ chi NSNN, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo. Đồng thời, thực hiện cắt giảm chi tương ứng khi thu không đạt dự toán.

Cũng theo ông Hà Minh Hải, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách từ khâu lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, thành phố kịp thời điều hòa, điều chỉnh dự toán chi NSNN để dành nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách của thành phố; nâng cao hiệu quả chi NSNN… Không những vậy, thành phố đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết cắt giảm, điều chuyến vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư...

Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành ngân sách

Theo UBND TP. Hà Nội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là tiết kiệm trong quản lý điều hành ngân sách.

Trước tiên đối với việc giao dự toán (tiết kiệm theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ và của thành phố), Sở Tài chính Hà Nội đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 4969/QĐ-ƯBND ngày 10/12/2022 về việc giao chi tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2023. Theo đó số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương hơn 3.331 tỷ đồng, trong đó cấp thành phố là hơn 2.176 tỷ đồng; cấp quận, huyện hơn 1.155 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, trong kỳ báo cáo, Sở Tài chính Hà Nội đã tổ chức thẩm tra quyết toán vốn đầu tư hoàn thành 51 dự án, với giá trị phê duyệt quyết toán hơn 5.446 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách thành phố hơn 46 tỷ đồng.

Thực hiện quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, UBND thành phố đã ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng...

Đối với sắp xếp, xử lý nhà, đất, UBND thành phố đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Thành phố tiếp tục rà soát về tổng thể hiện trạng và phương án bố trí trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành tại Khu liên cơ Võ Chí Công, Vân Hồ và các trụ sở phân tán. Tham gia các đoàn liên ngành do Bộ Tài chính chủ trì kiểm tra hiện trạng các cơ sở nhà, đất và có ý kiến gửi Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng về phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1 cơ sở nhà đất của đơn vị, doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn thành phố; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trên địa bàn thành phố…