“Thành phố trong thành phố” không đơn thuần chỉ là “tách – nhập”

Theo Tờ trình của UBND TP. Hà Nội, trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, có đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Hà Nội: Đề xuất quy hoạch thành phố, giá đất Mê Linh “nổi sóng”
Ăn theo quy hoạch, giá đất tại Mê Linh đang nổi sóng. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc thành lập các thành phố trong những thành phố trực thuộc Trung ương là định hướng đã được thể chế hóa tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016. Hiện đang thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh, cụ thể là TP.Thủ Đức. Tuy nhiên theo ông Nghiêm, việc đề xuất 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố cần phải xem xét kỹ lưỡng về mọi mặt.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó có 5 nhóm tiêu chí và hơn 70 chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó, muốn lên thành phố cần đảm bảo những tiêu chí đó. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là về tỷ lệ đô thị hóa. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội mới đạt 49%, tức là còn rất thấp so với mục tiêu đặt ra và còn rất thấp so với tiêu chí thành phố đặc biệt, được phân loại từ loại 1 - 5. Riêng TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội được phân loại là thành phố đặc biệt. Trong định hướng đặt ra lần này, Hà Nội cần phấn đấu để đạt mức đô thị hóa là 62%. Với tỷ lệ đô thị hóa như vậy, việc quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc của Hà Nội mới khả thi.

KTS Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, việc hình thành các “thành phố trong thành phố” phải tính đến những giá trị mà nó mang lại, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện “tách – nhập” hay thay đổi đơn vị hành chính. Những giá trị đó phải hướng đến nâng cao chất lượng sống của người dân. Khu trung tâm mới hoặc cực mới phải có hạ tầng giao thông tốt, có trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí,... Đồng thời, phải có khu văn phòng, để các doanh nghiệp, tổ chức đặt trụ sở làm việc, nhằm đem lại việc làm cho chính cư dân tại đây.

Ăn theo quy hoạch, giá đất tại Mê Linh đang “nổi sóng”

Những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản huyện Mê Linh tăng giá chóng mặt, xuất phát từ thông tin địa phương này sắp đón loạt dự án “tỷ đô”.

Để kiểm soát tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính. Đồng thời theo dõi nắm bắt thông tin diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Đến tháng 7/2021, sau khi lãnh đạo huyện, xã tại địa phương này khẳng định hàng loạt dự án “tỷ đô” sẽ được đầu tư vào Mê Linh chỉ là đồn thổi, điều này đã khiến thị trường quay đầu rơi vào cảnh ảm đạm.

Sau 3 tháng khá im ắng, bất động sản Mê Linh đang sốt trở lại khi nhiều người đã bắt đầu đến, tìm hiểu thông tin về các dự án và giá đất khu vực này. Theo nhiều môi giới bất động sản tại đây, nguyên nhân là do huyện Mê Linh nằm trong kế hoạch lên thành phố trong 5 năm tới của Hà Nội.

Theo anh Phạm Trọng Nghĩa, một môi giới nhà đất khu vực này cho hay, khu vực Mê Linh hiện có nhiều “ông lớn” đã và đang chuẩn bị triển khai các dự án “khủng”. Các dự án “đắp chiếu” trước đó cũng sắp được hồi sinh, nên khả năng rất cao bất động sản ở khu vực này sẽ có “sóng”, hiện tại giá đất tại Mê Linh đã tăng lên 21 - 40 triệu đồng/m2; trước đó giá đất dao động từ 15 - 23 triệu đồng/m2.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thông tin 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố cũng sẽ không khác mấy so với câu chuyện của TP. Thủ Đức từ giữa năm 2020. Theo đó, thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá lên cao, sau đó khiến nhiều người ôm mộng rồi vỡ mộng./.