Hải quan Long An: Điểm sáng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hậu kiểm
Công chứcCục Hải quan Long An thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

Truy thu, nộp ngân sách tăng 28% từ hậu kiểm

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Cục Hải quan Long An, thời gian qua, lực lượng KTSTQ (hậu kiểm) đã có nhiều nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngày càng chính quy, bài bản hơn. Ngoài việc kiểm tra rủi ro, tuân thủ, công tác hậu kiểm đã tập trung triển khai kiểm tra theo chuyên đề (như về xuất xứ, về chống lợi dụng chính sách). Hàng tháng, Chi cục đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hậu kiểm, kế hoạch thu ngân sách và phân công nhiệm vụ cụ thể từng công chức để thực hiện. Để làm tốt công tác hậu kiểm, Chi cục KTSTQ luôn chủ động đổi mới, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đề ra.

Để công tác hậu kiểm hiệu quả, là một trong những công cụ đắc lực trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, chống thất thu cho ngân sách, Chi cục KTSTQ đã tập trung kiểm tra sâu theo các chuyên đề, lĩnh vực có độ rủi ro cao.

Kiểm tra sau thông quan đồng hành cùng doanh nghiệp

Công tác hậu kiểm tại Cục Hải quan Long An được tiến hành bài bản, khoa học, trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả”. Thông qua hậu kiểm, đơn vị phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về hải quan, cung cấp thông tin về hoạt động cải cách, tuyên truyền lợi ích về hoạt động đối tác hải quan - DN được cộng đồng DN ủng hộ, đánh giá cao.

Cụ thể là đánh giá, phân tích rủi ro và lựa chọn trọng điểm (doanh nghiệp trọng điểm, dự án trọng điểm, mặt hàng trọng điểm); quan tâm đến các doanh nghiệp (DN) thuộc địa bàn nhưng có khai báo hải quan tại các địa phương khác. Nếu như trước đây, việc kiểm tra thường chọn hàng nhập khẩu là chủ yếu thì nay đơn vị đã đánh giá, lựa chọn đối tượng kiểm tra chủ yếu là mặt hàng xuất khẩu có thuế, kiểm tra về trị giá hải quan, việc tuân thủ các chính sách ưu đãi về thuế trong giai đoạn hội nhập theo các hiệp định thuế quan FTA.

Với sự chủ động nỗ lực nêu trên, Chi cục KTSTQ đã tổ chức, triển khai cụ thể các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Long An, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, tính đến 15/11/2024, đơn vị đã tổ chức 45 cuộc hậu kiểm tại trụ sở người khai hải quan, trong đó có 44 cuộc; thu ngân sách nhà nước hơn 13,89 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ năm 2023, đạt 199% so với chỉ tiêu được giao (7 tỷ đồng). Đơn vị đã được biểu dương về thành tích hoàn thành sớm, vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Nhiều sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả chống thất thu

Với khối lượng công việc ngày càng tăng trong khi biên chế không tăng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, công chức trong đơn vị đã luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trên tất cả các mảng công tác của đơn vị đều ghi nhận những sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực. Chi cục luôn quan tâm khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công chức phát huy tính sáng tạo, đổi mới nâng cao hiệu quả trong công việc. Các sáng kiến cải tiến hiệu quả đều được xem xét ghi nhận, biểu dương và tặng thưởng kịp thời, nhằm khích lệ tinh thần và khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong toàn đơn vị.

Năm 2023, có 2 sáng kiến cơ sở của 4 cá nhân được Cục Hải quan Long An ra quyết định công nhận và 1 đề tài cấp Tổng cục Hải quan. Năm 2024, có 2 sáng kiến cơ sở của 4 cá nhân đang trình Hội đồng sáng kiến Cục Hải quan Long An ra quyết định công nhận. Các sáng kiến cải tiến của đơn vị năm nay có tính sáng tạo, đổi mới và thực tiễn rất cao.

Xác định con người là nhân tố hàng đầu quyết định mọi nhiệm vụ, ngoài ra, áp dụng các phần mềm, ứng dụng tiên tiến phục vụ công tác thu thập, xử lý thông tin DN, hàng hóa xuất nhập khẩu, Chi cục KTSTQ đã khuyến khích công chức tự học tập nâng cao trình độ. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bước đột phá trong hoạt động hậu kiểm chính là việc bố trí, sắp xếp và tự đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Về bố trí phân công nhiệm vụ, trên cơ sở trình độ, năng lực, kinh nghiệm, sở trường của công chức để tiến hành phân nhóm nghiệp vụ thực hiện kiểm tra, thành viên mỗi nhóm đều có sự đan xen theo các lĩnh vực chuyên môn (công chức chuyên sâu về chính sách thuế, chính sách xuất nhập khẩu, chế độ tài chính DN), đảm bảo chất lượng, trình độ các nhóm đồng đều. Những giải pháp trên đã nâng cao, phát huy khả năng làm việc của từng cá nhân, tinh thần đoàn kết của tập thể.

Về phương pháp kiểm tra cũng đã có nhiều đổi mới, đột phá, thay vì kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu của DN như trước đây, Chi cục KTSTQ đã tập trung kiểm tra việc đưa nguyên liệu vật tư được miễn thuế đến cơ sở khác gia công lại, xác định hàng hoá thực tế, trị giá thực tế thanh toán, chi phí phát sinh liên quan đến hàng hoá, kiểm tra đối chiếu thẩm định chứng từ của DN... Từ đó đánh giá, xác định rõ ràng, cụ thể những sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Đối với những trường hợp được lựa chọn trọng điểm hậu kiểm trong năm, có tính phức tạp cao, chuyên đề chuyên sâu, trực tiếp lãnh đạo Chi cục KTSTQ sẽ chỉ đạo, định hướng, lựa chọn phương pháp kiểm tra, xem xét xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và bố trí đội ngũ công chức tinh thông thực hiện, đảm bảo kết quả kiểm tra luôn chính xác, khách quan.

Tiếp tục nâng tầm hậu kiểm trong năm 2025

Để công tác hậu kiểm đạt được kết quả cao, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, Chi cục KTSTQ, Cục Hải quan Long An đang tiếp tục thực hiện thu thập thông tin, KTSTQ theo các chuyên đề đã được xây dựng... Trong đó, đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị 371/CT-TCHQ (ngày 24/1/2024) của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, tập trung tiến hành thu thập thông tin các DN có rủi ro cao, hoạt động xuất nhập khẩu phức tạp để lựa chọn, xác định đối tượng kiểm tra.

Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm do Tổng cục Hải quan hoặc các đơn vị trong ngành cảnh báo như hoạt động gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài có dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu; chuyển giao nguyên phụ liệu, gia công lại; báo cáo quyết toán... Bên cạnh việc kiểm tra theo kế hoạch, Chi cục KTSTQ cũng sẽ tăng cường thu thập, phân tích thông tin DN để đề xuất kiểm tra đột xuất nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Năm 2025, ngoài mục tiêu đảm bảo số thu ngân sách theo chỉ tiêu được giao, đơn vị đặt mục tiêu thông qua công tác hậu kiểm sẽ góp phần kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn, hạn chế những sai sót tại khâu thông quan. Do đó, Chi cục KTSTQ sẽ tiếp tục triển khai, rà soát, đánh giá, sắp xếp đội ngũ công chức phù hợp với trình độ đào tạo và công việc thực tế, nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong công việc; tổ chức làm tốt công tác thu thập thông tin từ các nguồn trong và ngoài ngành để thực hiện tốt bước lựa chọn đối tượng kiểm tra, đảm bảo kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng những đối tượng có rủi ro cao, đưa công tác hậu kiểm đạt hiệu quả cao hơn nữa.