Kết nối đầu ra cho nông sản lên sàn thương mại điện tử là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (bên phải) chia sẻ tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ: Nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam diễn ra chiều 30/12, các vấn đề gồm: Kết nối đầu ra cho nông sản lên sàn thương mại điện tử trong và nước ngoài; hỗ trợ trong cung cấp thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu... được các nông dân đặt ra với Chính phủ và các bộ, ngành chức năng.

Ở góc độ ngành Công thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện thương mại điện tử chiếm tỷ trọng 10% trong tổng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của cả nước và còn nhiều dư địa để phát triển. Đáng chú ý, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, việc ứng dụng công nghệ số của bà con nông dân là giải pháp để tiêu thụ nông sản, đem lại giá trị cao không chỉ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới.

Nhấn mạnh sàn thương mại điện tử là giải pháp để nông sản, sản phẩm "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nông sản địa phương có thể đến gần hơn và nhanh hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhưng ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đưa ra những lưu ý với bà con về những tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã hàng hóa,… mà các sàn thương mại điện tử đặt ra. Đặc biệt là các sàn thương mại điện tử quốc tế đòi hỏi những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn.

Với việc tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế, hiện Bộ Công thương đã thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Chương trình này đã hỗ trợ được hàng chục doanh nghiệp, với gần 10.000 sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba…

Bộ Công thương đã và sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho bà con về quy trình, cách thức đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Ngoài học lý thuyết, bà con nông dân còn thực hành trực tiếp, khởi tạo các chương trình bán hàng.

Về vấn đề hỗ trợ nông dân trong công tác nắm bắt thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản, Bộ Công thương thực hiện các nhiệm vụ gồm: Xây dựng chính sách, thể chế; kết nối cung cầu; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác xúc tiến thương mại, đào tạo tập huấn, nâng cao nhận biết, giải quyết khó khăn của bà con khi gặp sự cố bất lợi tại thị trường trong và ngoài nước…

Kết nối đầu ra cho nông sản lên sàn thương mại điện tử là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm

Thời gian qua Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã đưa ra những chương trình, dự án như: Kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững; truy xuất nguồn gốc nông sản; bản đồ số hóa sản xuất nông sản kết nối các điểm bán hàng, bán sản phẩm đến với thị trường; xây dựng dự án về kho dự trữ; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, kinh nghiệm kinh doanh nông sản...

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã và đang tăng cường triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó, chú trọng hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hàng nông sản để tạo thuận lợi cho tiêu thụ.

Về vấn đề thông tin thị trường trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công thương đã cung cấp đầy đủ, minh bạch thông qua trang web và các kênh thương vụ để bà con nông dân có thể tiếp cận, nắm bắt.

Với các thông tin bất lợi có thể xảy ra, ví dụ như với các sản phẩm tôm, cá… bị các nước áp dụng các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, Bộ Công thương đã thiết lập kênh thông tin cảnh báo sớm để bà con có thông tin, nắm rõ.

Về xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị bà con nông dân kết hợp giữa giá trị văn hóa, truyền thống… để gây dựng các câu chuyện sản phẩm của mình; còn để xây dựng thương hiệu lớn phải có sự liên kết và đồng hành của các doanh nghiệp.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để có kiến thức và nhận thức thì phải thông qua quá trình dạy và học. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bằng các hình thức khác nhau như các cơ quan báo chí có các chương trình truyền thông với nội dung, thời lượng phù hợp, thúc đẩy xuất bản các loại sách phổ biến kiến thức, hướng dẫn… Ngược lại, người nông dân cũng phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết.

Để có thị trường bền vững, Nhà nước phải đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, kết nối người nông dân với các sứ quán, cơ quan đại diện thương mại… Về phần mình, người nông dân phải có các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch, sản xuất xanh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý.

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, trên cơ sở chủ trương của Đảng cũng như chương trình hành động của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã có ký kết với Tập đoàn VNPT thực hiện "App nông dân", giúp thúc đẩy nông dân chuyển đổi số.