Giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến đạt xấp xỉ 100%

Từ ngày 1/2/2018, Kho bạc Nhà nước (KBNN) chính thức vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại các đơn vị KBNN.

Đến nay, 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT KBNN. Số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) phát sinh hàng tháng trên hệ thống DVCTT đạt trên 99,6%. Theo báo cáo từ KBNN, hiện chỉ còn khoảng 0,4% số lượng giao dịch trực tiếp tại KBNN là do điều kiện hạ tầng và đường truyền internet từ phía đơn vị sử dụng ngân sách một số thời điểm không đảm bảo tốc độ để truyền dữ liệu sang KBNN...

Hiện số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước được thực hiện hầu hết trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc.
Hiện số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước được thực hiện hầu hết trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc.

Đồng thời với việc triển khai các DVCTT, KBNN đã triển khai quy trình liên thông giữa các chương trình ứng dụng DVCTT, TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và Thanh toán song phương điện tử, với mục tiêu tự động hóa tối đa các bước xử lý trên chương trình, nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho đội ngũ công chức KBNN, chuẩn hóa dữ liệu của đơn vị sử dụng ngân sách khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên hệ thống DVCTT.

KBNN cũng đã hoàn thành việc tích hợp dịch vụ công trực tuyến của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai mở rộng các dịch vụ thu phạt vi phạm hành chính.

Trong năm 2021, KBNN đã hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ trên nền tảng số theo hướng liên thông. Theo đó người dùng KBNN chỉ thực hiện trên hệ thống DVCTT (phân hệ dành cho đơn vị kho bạc) và tự động hạch toán kế toán, thanh toán trên hệ thống TABMIS, thanh toán điện tử với ngân hàng.

Ngày 4/3/2022, KBNN đã ban hành Quyết định số 935/QĐ-KBNN về Quy định chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT KBNN. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có thể kết nối, tích hợp dữ liệu trực tiếp từ phần mềm ứng dụng của đơn vị vào hệ thống DVCTT, giúp giảm thiểu việc nhập, xử lý dữ liệu trùng lặp nhiều lần. Qua đó tăng cường trải nghiệm của người dùng, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của KBNN, đồng thời giảm tải cho hệ thống DVCTT KBNN.

Nâng cấp dịch vụ công trực tuyến để gia tăng tiện ích

Việc KBNN chính thức vận hành và cung cấp DVCTT KBNN trên phạm vi rộng đã hình thành kênh giao dịch điện tử của KBNN để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với KBNN, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội qua mạng internet, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Chiến lược phát triển KBNN.

Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho khách hàng, việc sử dụng DVCTT với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, tránh việc giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị, giúp khách hàng cũng như KBNN có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi NSNN, nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch trong công tác kiểm soát chi NSNN nói riêng và giao dịch với khách hàng nói chung.

Ngoài ra, việc DVCTT hỗ trợ lấy số liệu tự động trên TABMIS đã giúp việc đối chiếu, xác nhận số liệu của đơn vị giao dịch tại KBNN được chính xác, nhanh chóng, giảm thiểu sai sót trong quá trình đối chiếu, góp phần đảm bảo an toàn tiền, tài sản của nhà nước.

100% thủ tục Kho bạc Nhà nước thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện DVCTT mức độ 4 bao gồm: nộp tiền vào NSNN, hoàn trả các khoản thu NSNN qua KBNN; thủ tục hành chính kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN; kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp; kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN; kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn NSNN qua KBNN; kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước; đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN; tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN; đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN.

Đối với việc đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản, qua hệ thống DVCTT của KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách có thể đối chiếu số liệu với KBNN định kỳ theo tháng, quý, năm hoặc đối chiếu đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc tất toán tài khoản mà không phải đến trụ sở KBNN nơi giao dịch. Về phía KBNN, có thể xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch thông qua việc tự động lấy số liệu trên TABMIS, tính toán chênh lệch (nếu có), đảm bảo số liệu đối chiếu chính xác, tiết kiệm thời gian và công sức của công chức KBNN.

Giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến vừa là xu thế tất yếu, vừa là yêu cầu tiên quyết mà các bộ, ngành, địa phương cần đạt được nhằm hướng đến một chính phủ điện tử toàn diện, nhằm tăng cường tính minh bạch hóa, cải cách hành chính và hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước đối với quản lý xã hội.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ và tăng cường tiện ích phục vụ công tác quản lý của lãnh đạo KBNN các cấp, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống DVCTT theo hướng: cung cấp DVCTT cho khách hàng qua đa kênh, bao gồm cả kênh mobile; xây dựng và triển khai phân hệ lưu trữ điện tử đối với hồ sơ kiểm soát chi được thực hiện qua DVCTT; hoàn thiện, tăng cường bảo mật thông qua công nghệ sinh trắc học để đảm bảo người kiểm soát thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn tình trạng làm thay, làm giúp dẫn tới mất an toàn tiền, tài sản của Nhà nước; cung cấp cổng kết nối trực tiếp từ phần mềm của đơn vị sử dụng ngân sách (Phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp) tới DVCTT của KBNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian thực hiện cho đơn vị sử dụng NSNN khi gửi hồ sơ đến KBNN.

Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận tiện hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN.

Với kế hoạch nâng cấp và hoàn thiện hệ thống DVCTT, KBNN kỳ vọng DVCTT tiếp tục là một trong các kênh tiếp nhận thông tin để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của KBNN một cách khách quan, giúp KBNN cải thiện chất lượng, phục vụ các tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.

Đơn vị sử dụng ngân sách tới đây không phải gửi hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (hệ thống e-GP), theo đó các nhà cung cấp và nhà thầu sẽ ký hợp đồng điện tử trên hệ thống e-GP.

Để kết nối dữ liệu phục vụ công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN), trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và Trung tâm Đấu thầu quốc gia đã thực hiện khảo sát hạ tầng và công nghệ các bên; đồng thời, tiến hành trao đổi các nhóm nghiệp vụ và kỹ thuật của các hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện kết nối giữa hệ thống e-GP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với hệ thống công nghệ thông tin của KBNN.

Vì vậy, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc ký hợp đồng điện tử trên hệ thống e-GP, KBNN sẽ khai thác thông tin từ mạng đấu thầu quốc gia theo Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP để thực hiện thanh toán mà không yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách/chủ đầu tư gửi hợp đồng đến KBNN.