Kiểm tra thường xuyên để thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn từng lần bán
Xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh trên thị trường. Ảnh tư liệu

PV: Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Thuế cùng các cơ quan quản lý, tính đến nay, gần như toàn bộ cửa hàng xăng dầu đã xuất hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng. Để có được kết quả trên, đâu là bài học kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ này, thưa ông?

TS. Phan Phương Nam: Theo tôi, điều đầu tiên nhận thấy khi cơ quan thuế quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cửa hàng xăng dầu phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế thì đã có sự chuyển biến rất nhanh và đạt kết quả tích cực. Đây là một việc làm rất hữu ích trong cả khía cạnh quản lý nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng.

Thông qua đó cho thấy, các bài học cần rút kinh nghiệm khi thực hiện các vấn đề tương tự đó là: sự chuẩn bị chu đáo khi có thời gian, lộ trình hợp ý, vừa đủ để các chủ thể kinh doanh xăng dầu kịp thời trang bị các phương tiện; cũng như không vì một vài vấn đề nhỏ mà làm cản trợ sự công bằng, công khai trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động thu nộp thuế nói chung. Khi những yếu tố trên hợp lý thì các chủ thể liên quan không thể viện dẫn các lý do khác để trì hoãn và gây khó khăn cho tiến trình hoàn thiện của quản lý nhà nước đối với xã hội, đối với nền kinh tế.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi lần bán xăng dầu được coi là giải pháp giúp cơ quan thuế tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn và ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến trên?

Kiểm tra thường xuyên để thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn từng lần bán

TS. Phan Phương Nam: Tôi cho rằng ý kiến này là hợp lý. Bởi lẽ, khi DN xuất hóa đơn điện tử thì các dữ liệu này cùng lúc gửi cho người tiêu dùng và cơ quan thuế. Theo đó, cơ quan thuế sẽ nhanh chóng kiểm soát được chính xác số lượng xăng, dầu mà các cửa hàng này bán cũng như giá cả của xăng dầu nên xác định được chính xác doanh thu, số thuế mà cửa hàng phải nộp cho nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp đến các loại thuế khác có liên quan.

Bên cạnh đó, thông qua việc yêu cầu các chủ thể này xuất hóa đơn, Nhà nước có cơ sở để so sánh và xác định được chính xác lượng xăng, dầu nhập, xuất của các doanh nghiệp này, thời điểm xuất nhập xăng, dầu, giá cả của xăng, dầu để từ đó xác định được có hay không các hành vi nhập khẩu lậu xăng, dầu có thể xảy ra để đảm bảo chất lượng xăng, dầu khi cung cấp trên thị trường.

PV: Theo ông, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như người tiêu dùng sẽ được lợi gì đối với việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu?

TS. Phan Phương Nam: Việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng, dầu sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà còn có nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng.

Bởi lẽ việc xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ thể hiện rõ ràng lượng xăng dầu hợp pháp được mua và sau đó bán lẻ trên thị trường để thông qua đó Nhà nước dễ dàng phát hiện các doanh nghiệp mua gian, bán lận - làm “trong sạch” thị trường bán lẻ xăng dầu; qua đó làm tăng lòng tin của người tiêu dùng hơn về hệ thống phân phối xăng dầu bán lẻ trên thị trường.

Bên cạnh việc xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi lần bán xăng dầu không chỉ được coi là giải pháp giúp cơ quan thuế tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn và ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước mà hoạt động này còn giúp cho Nhà nước có thể bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt hơn, cũng như tạo thêm cho chính người tiêu dùng công cụ để bảo vệ mình.

PV: Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục giám sát hoạt động xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán xăng dầu ra sao, thưa ông?

TS. Phan Phương Nam: Theo tôi, để các cửa hàng xăng dầu thực hiện nghiêm túc việc xuất hoá đơn điện tử sau từng lần bán hàng, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần thực hiện kiểm tra thường xuyên liên tục. Bởi lẽ, khi bị kiểm tra thường xuyên liên tục thì các cửa hàng kinh doanh trên sẽ phải nghiêm túc thực hiện nhằm tránh bị xử phạt; qua đó dần hình thành thói quen là bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử.

Đồng thời, cần có sự phối hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan như cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và cơ quan thuế. Bởi thông qua hoạt động phối hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan này mới tạo nên cơ chế kiểm soát chặt chẽ về nguồn hàng xăng, dầu nhập, xuất, chất lượng, tổ chức cung cấp… mới có thể phát hiện các đường dây buôn lậu xăng, dầu; dễ phát hiện hành vi trộn lẫn xăng giả… Qua đó, đảm bảo đủ lượng, chất lượng xăng, dầu được cung cấp trên thị trường, tránh gian lận thuế và bảo vệ hợp lý chính người tiêu dùng trên thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bằng chứng pháp lý để người tiêu dùng có thể khiếu nại

TS. Phan Phương Nam cho rằng, hóa đơn điện tử được xuất sau mỗi lần bán xăng dầu sẽ là bằng chứng pháp lý rõ ràng để người tiêu dùng có thể khiếu nại nếu như họ phát hiện nhà cung cấp không cung cấp đúng dung lượng, chất lượng như thỏa thuận trong việc mua xăng dầu tại nơi bán. Vì trên thực tế không thiếu các hành vi gian lận trong đo lường khi bán xăng, dầu trên thị trường.