Quy mô hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng

Gói cấp bù 3% lãi suất có quy mô ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng (hay còn gọi là gói hỗ trợ tín dụng 100 nghìn tỷ đồng) là một trong những giải pháp đề xuất trong gói giải pháp chung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ về xây dựng nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Kỳ vọng hiệu quả  từ gói cấp bù 3% lãi suất
Ngân hàng Nhà nước ủng hộ việc giảm lãi suất vì đó là điều thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, phần liên quan đến nhóm nhiệm vụ giải pháp về hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính, dự thảo tờ trình có đề xuất nghiên cứu việc có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi Covid-19 và doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng, với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3 - 4%/năm trong thời hạn 1 năm.

Trong phần diễn giải liên quan đến giải pháp này, tờ trình có đề cập ước tính với khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 3 - 4%/năm so với lãi suất thị trường hiện tại.

Đánh giá về gói cấp bù 3% lãi suất nêu trên, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ việc giảm lãi suất vì đó là điều thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, việc đánh giá hiện nay nằm ở chỗ nguồn lực ngân sách có thể dành cho khoản này được bao nhiêu và việc triển khai cũng sẽ phải tính toán để có phương thức hợp lý, hiệu quả, để khắc phục được những khó khăn hiện tại.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty AFA Capital cho biết, sau giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt 5 khó khăn trọng yếu: Thị trường sụt giảm, khó khăn về lao động, khó khăn về vận chuyển, khó khăn mua nguyên liệu và đặc biệt là khó khăn nguồn tiền. Do đó, việc hỗ trợ bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp là rất cấp thiết, trong đó giải pháp quan trọng và khả thi là hỗ trợ lãi suất, nhất là hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì nhóm doanh nghiệp này luôn là đối tượng yếu thế nhất trong việc tiếp cận vốn vay.

Những tính chất riêng của giải pháp cấp bù lãi suất

Hiện nay, lãi suất cho vay thị trường đang ở mức khoảng 7 - 8%/năm, theo đó, gói hỗ trợ 3% lãi suất nếu được thực hiện thì doanh nghiệp sẽ chỉ phải trả mức lãi suất khoảng 4 - 5%, nhưng ngân hàng vẫn nhận đủ lãi suất theo lãi suất thị trường. Phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Giải pháp cấp bù lãi suất có tính ưu việt ở chỗ dù xuất phát điểm là chính sách tài khóa (cấp tiền từ ngân sách bằng cách hỗ trợ 3% lãi suất, dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng), nhưng không thực hiện cấp phát trực tiếp mà thông qua hệ thống cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Về cách thức thực hiện, giải pháp cấp bù lãi suất phần nào khắc phục được những nhược điểm của phương thức hỗ trợ tiền trực tiếp truyền thống. Cụ thể, việc cấp tiền trực tiếp sẽ phải thực hiện các khâu xét duyệt, phải tuân theo các quy trình quy chế giám sát riêng dẫn đến phát sinh chi phí, thời gian kéo dài. Trong khi đó với giải pháp cấp bù lãi suất, việc giám sát sẽ thông qua chính các cơ chế đảm bảo chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng, tận dụng hệ thống mạng lưới ngân hàng để phân bổ vốn.

Một trong những vấn đề đặt ra đối với giải pháp này là cũng có ý kiến lo ngại khi thực thi có thể có lượng tiền khổng lồ để ra nền kinh tế dẫn đến lạm phát. Quan điểm này đưa ra dựa trên cách gọi khác của gói hỗ trợ, một số người gọi là gói hỗ trợ tín dụng 100 nghìn tỷ đồng (quy mô hỗ trợ 3.000 tỷ đồng, tương ứng 3% lãi suất, tương ứng với quy mô tín dụng 100 nghìn tỷ đồng).

Về việc này, các chuyên gia cho rằng với cơ chế giám sát tín dụng, doanh nghiệp muốn được vay vốn thì vẫn phải đáp ứng các điều kiện tín dụng của ngân hàng; đồng thời các ngân hàng vẫn phải chịu hạn mức tín dụng được cấp trong năm, nên họ không thể cho vay vượt quá hạn mức. Ngoài ra, theo đánh giá của ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam, các ngân hàng nếu thực thi chính sách này có thể cũng không nhất thiết phải là cho vay khoản vay mới, mà họ có thể điều chỉnh các khoản vay cũ đối với những khách hàng đủ điều kiện được hỗ trợ. Theo đó, giới chuyên môn đánh giá rằng, chính sách này nếu thực thi thì cũng sẽ không thể có chuyện có một “cơn lũ” 100 nghìn tỷ đồng đổ vào nền kinh tế. Đương nhiên, vấn đề được các nhà kinh tế cảnh báo vẫn là việc kiểm soát dòng vốn đến được đúng đối tượng, đúng mục đích.

Nhóm nhiệm vụ giải pháp về hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính

Giải pháp cấp bù lãi suất là một trong những giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình Chính phủ trong nhóm nhiệm vụ giải pháp về hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính. Nội dung này nằm trong tờ trình Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Một số giải pháp khác trong nhóm tăng cường tiếp cận tài chính là đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính; nghiên cứu, đánh giá các mô hình, nền tảng, giải pháp hiệu quả về tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp từ thực tiễn hoạt động hoặc từ thông lệ tốt quốc tế.