Lãi suất liên ngân hàng về dưới 1%

Lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiếp tục đà giảm rất sâu, với mức lãi suất cho vay qua đêm thậm chí đã giảm xuống mức chỉ còn 0,96%, đây là mức giảm rất sâu so với mức lãi suất qua đêm đã từng lên tới 6,4% chỉ mới hồi đầu tháng 3.

Đồng thời, các mức lãi suất suất các kỳ hạn khác cũng giảm sâu với kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,66%, kỳ hạn 2 tuần là 2,45%, kỳ hạn 1 tháng 4,22%...

Với mặt bằng lãi suất hiện tại, lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với lãi suất suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định.

Lãi suất liên ngân hàng “xuyên thủng” mốc 1%, tín dụng tăng chậm
NHNN đang thực hiện giải pháp khơi thông tín dụng với nền kinh tế. Ảnh: T.L
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và tín hiệu tích cực kép Lãi suất tăng đang phơi bày những điểm yếu gì của hệ thống ngân hàng?

Hiện nay, lãi suất cho vay qua đêm tối đa trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng được thực hiện theo Quyết định số 313/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023, cụ thể ở mức 6%/năm. Mức lãi suất tối đa này cũng đã giảm thấp hơn so với mức 7% trong thời gian trước.

Quyết định số 313 cũng có một số nội dung quy định về các mức lãi suất điều hành khác. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm.

Tỷ giá vẫn giữ nhịp ổn định

Tỷ giá trung tâm trong tuần vừa qua có động thái tăng nhẹ đầu tuần, nhưng sau đó đi vào ổn định và giảm vào cuối tuần.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm hôm 27/3 tăng 2 đồng so với cuối tuần trước và ghi nhận ở mức 23.602 đồng/USD, sau đó tiếp tục có phiên tăng điểm hôm thứ ba ngày 28/3 lên 23.605 đồng/USD. Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh quay đầu giảm vào phiên 29/3, giữ ổn định trong phiên 30/3 trước khi tiếp tục giảm nhẹ vào cuối tuần. Chốt phiên thứ sáu ngày 31/3, tỷ giá USD trung tâm dừng ở mức 23.600 đồng/USD, giảm 2 đồng so với phiên hôm thứ hai đầu tuần và đúng bằng tỷ giá trung tâm hôm thứ sáu tuần trước.

Cán cân thương mại thặng dư tiếp tục hỗ trợ cho tỷ giá ổn định

Trong tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).

Tại Vietcombank, tỷ giá USD diễn biến theo chiều hướng giảm trong tuần, nhưng mức giảm không nhiều. Tỷ giá niêm yết tại ngân hàng này hôm thứ hai đầu tuần là 23.310/23.340/23.680 (mua chuyển khoản/mua tiền mặt/bán ra), sau đó giảm nhẹ khoảng 10 – 20 đồng mỗi Đô la trong 3 ngày tiếp theo và giữ ổn định trong ngày cuối cùng trong tuần, ghi nhận vào sáng thứ sáu ở mức 23.700/23.300/23.640 đồng/USD.

Trong tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu trong tháng 3 và quý I/2023, diễn biến này tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tốt cho việc ổn định tỷ giá thời gian tới.

Lãi suất liên ngân hàng “xuyên thủng” mốc 1%, tín dụng tăng chậm
Thặng dư thương mại vẫn là tín hiệu tích cực cho tỷ giá. Ảnh: T.L

Tín dụng tăng chậm

Theo số liệu của NHNN công bố hôm cuối tuần, tăng trưởng tín dụng đạt 2,06% (tính đến 28/3). Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% tính đến cuối quý I/2023 (cập nhật đến 20/3). Theo đó với tốc độ tăng trưởng này, tăng trưởng tín dụng mới đạt khá thấp so với chỉ tiêu cả năm 2023 sau 1 quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2022 theo đó chỉ cao hơn so với mức 1,26% của năm 2021 (là năm diễn ra dịch Covid-19) và thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của năm 2022.

Tuy nhiên, NHNN cũng vừa cho biết sẽ vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 như đã đề ra hồi đầu năm (khoảng 14-15%). Về tình hình chung hiện nay, tín dụng chậm vào quý I cũng là thông lệ, do rơi vào giai đoạn Tết, tuy nhiên, đây cũng là yếu tố cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang chậm lại.

NHNN cho biết đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Giá vàng giảm nhưng có thể tăng trở lại

Diễn biến giá vàng trong tuần theo chiều hướng giảm, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội mở đầu tuần ở mức 66,65 triệu đồng/lượng mua vào và 67,37 triệu đồng/lượng bán ra. Sau đó, giá vàng có diễn biến giảm trong một số ngày trong tuần, trước khi quay đầu tăng trở lại trong ngày cuối tuần. Sáng hôm thứ sáu cuối tuần, giá vàng miếng SJC ghi nhận ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,07 triệu đồng/lượng bán ra, giảm khoảng 200 nghìn đồng/lượng so với hôm đầu tuần.

Mặc dù giá vàng giảm, nhưng nhiều dự báo cho thấy kim loại quý này có thể sẽ tăng trở lại do tình hình thị trường tài chính quốc tế chưa thực sự ổn định trở lại khiến dòng tiền có thể sẽ tìm đến vàng.

Thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ lãi suất

Trong tuần qua, NHNN cũng vừa có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất để khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.