Lâm Đồng: Cải thiện môi trường đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp
Dây chuyển sơ chế sản phẩm sau thu hoạch của doanh nghiệp tại Lâm Đồng. Ảnh: Sơn Nam

Vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 14,4 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký hơn 174,5 nghìn tỷ đồng. Trong cuộc gặp mặt đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chương trình an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực khác của tỉnh, có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp thành lập mới tại địa phương đang giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Các ngành sản xuất với mức độ phục hồi không đồng đều; nhiều rào cản kinh doanh vẫn còn tồn tại, phát sinh. Khó khăn trong chuyển đổi xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững.

Một điều đáng quan tâm, trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư khoảng 95 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, đây cũng là điều chưa từng có xảy ra đối với địa phương này hàng chục năm qua.

Các chuyên gia và nhiều doanh nhân, doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là kể từ sau đại dịch Covid-19, các vấn đề về thủ tục hành chính tại địa phương vẫn còn phải trải qua nhiều công đoạn nhiêu khê, rườm rà, khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp e ngại.

Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho biết, thời gian gần đây, tỉnh Lâm Đồng đang thiếu tính ổn định trong cơ chế, chính sách “khủng hoảng, xáo trộng trong công tác cán bộ do vi phạm pháp luật” cùng một số nguyên nhân khác như: chậm quy hoạch và công bố quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế... Điều này cũng ảnh hưởng đến việc đầu tư của các doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào tỉnh.

Bên cạnh đó, quỹ đất tại địa phương hiện còn rất ít để các doanh nghiệp có thể tiến hành đầu tư. Trong quá trình hoạt động vẫn gặp phải những vướng mắc, bất cập trong phát triển du lịch canh nông, du lịch cộng đồng nông thôn; về thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, tiền thuê đất tăng, bất cập, gây khó khăn cho nhà đầu tư trên địa bàn.

Cùng nhau gỡ khó

Mới đây, trả lời câu hỏi tại sao gần hết năm 2024 mà tỉnh Lâm Đồng mới chỉ thu hút được 4 dự án đầu tư mới tại địa phương(?), lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm tìm ra nút thắt, tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút đầu tư tại địa phương. Nội dung này đều do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, thành phần tham dự có thủ trưởng các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thành phố.

Lâm Đồng: Cải thiện môi trường đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp
Toàn cảnh hội nghị đối thoại và tôn vinh doanh nghiệp do Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức. Ảnh: Sơn Nam

Trên cơ sở nắm bắt những thông tin kiến nghị của doanh nghiệp, hiểu rõ thực trạng khó khăn vướng mắc, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, xác định cụ thể thời gian giải quyết, công khai cho doanh nghiệp; tạo niềm tin, động lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc đầu tư vào tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái khẳng định, bất cập, vướng mắc ở đâu sẽ tháo gỡ tới đó, đồng thời, giao các đơn vị, sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; có các giải pháp hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nghiên cứu, tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

Lâm Đồng xác định, doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển, tỉnh phát triển sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Lâm Đồng cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện để sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Tỉnh mong muốn, quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý được xây dựng trên cơ sở nền tảng là mối quan hệ cộng sinh để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cho biết, sẽ sớm rà soát chấn chỉnh, khắc phục chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính cùng một số vấn đề liên quan, đồng thời khẳng định, hiện nay tỉnh vẫn còn quỹ đất dồi dào. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp được gia đất nhưng lại không triển khai thực hiện. Những trường hợp này tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi để giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực, quyết tâm hơn. “Trong quý IV/2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ rà soát toàn bộ, nếu doanh nghiệp nào được giao mà chậm triển khai hoặc không làm thì cương quyết thu hồi. Quỹ đất đó sẽ giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực, quyết tâm làm" - ông Học khẳng định.