Ảnh minh họa

Trong đó, việc điều hành tỷ giá dự kiến gặp nhiều yếu tố khó lường và cần có chính sách điều hành linh hoạt hơn. Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019.

PV: Thưa ông, năm 2018 sắp kết thúc, nhìn lại năm qua, ông đánh giá thế nào về những kết quả vĩ mô chúng ta đạt được?

- TS. Cấn Văn Lực: Năm 2018, Chính phủ dự kiến hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chẳng hạn, GDP dự báo có thể đạt từ 6,9 – 7%; lạm phát đến thời điểm này có thể khẳng định là sẽ dưới 4%, dự tính cả năm khoảng 3,8%. Ngoài ra, các chỉ tiêu về xuất khẩu, năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng cơ bản đạt được, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Giá cả, lãi suất, tỷ giá ổn định là một thành công trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức từ bên ngoài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi cũng cho rằng có 3 điều cần phải làm tốt hơn. Đó là tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, như cổ phần, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Quá trình cơ cấu lại ngân sách cũng chưa đạt kỳ vọng. Hiệu quả đầu tư công chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt giải ngân vốn rất vướng mắc. Về môi trường kinh doanh, mặc dù Chính phủ quyết tâm cải thiện và đã đạt kết quả khả quan, tuy nhiên đâu đó ở các cấp thừa hành vẫn làm chưa tốt, chưa thực chất, tiến độ chậm so với yêu cầu.

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

Về hội nhập, năm nay khá thành công khi Việt Nam phê chuẩn CPTTP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), thúc đẩy lộ trình phê duyệt EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), tạo tiền đề tốt cho năm tới. Tuy nhiên doanh nghiệp (DN) chưa tận dụng được nhiều cơ hội về hội nhập và đây cũng là điểm nghẽn cần thúc đẩy hơn trong năm tới.

PV: Năm 2019, chúng ta đề ra một số chỉ tiêu về kinh tế xã hội có thể nói là ở mức khá cao. Ông nhìn nhận thế nào về khả năng đạt các chỉ tiêu này?

- TS. Cấn Văn Lực: Với các chỉ tiêu chính như GDP năm 2019 là 6,6 – 6,8%, CPI khoảng 4%... tôi cho là phù hợp, nhưng thách thức. Hiện nay, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại khá nhiều trong năm tới. Báo cáo mới nhất của IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) cho thấy, nếu năm nay GDP toàn cầu ở mức 2,9% thì năm tới chỉ ở mức 2,5%. Nếu chiến tranh thương mại căng thẳng hơn thì có thể còn thấp hơn nữa. Điều này sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực.

Về lạm phát, tôi cho rằng phải rất quyết tâm mới có khả năng kiểm soát được quanh mức 4% vì có nhiều áp lực trong năm tới. Chẳng hạn như giá cả hàng hóa thế giới dự kiến tiếp tục đà tăng nhẹ, biến động của đồng USD, lãi suất… Ở trong nước, chúng ta vẫn có lộ trình tăng giá một số mặt hàng cơ bản. Đây là những áp lực lớn cho việc kiểm soát giá cả trong năm tới, chưa kể chúng ta luôn có yếu tố lạm phát kỳ vọng tương đối cao.

PV: Trong bối cảnh năm tới có nhiều yếu tố khó lường như vậy, theo ông, chính sách tiền tệ nên ứng phó thế nào để đảm bảo ổn định tỷ giá, lãi suất, nhất là nếu đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục phá giá?

- TS. Cấn Văn Lực: Năm tới đúng là năm rất thách thức với chính sách tiền tệ trong bối cảnh như tôi đã nêu. Do đó, theo tôi chính sách tiền tệ cần bám sát diễn biến thị trường tài chính tiền tệ và cả địa chính trị trên thế giới để có kịch bản phù hợp. Chẳng hạn nếu giá dầu thế giới tăng 10%, lãi suất USD tăng đúng như lộ trình Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra hay nếu đồng CNY tiếp tục giảm giá thì chúng ta ứng phó ra sao? Bên cạnh đó, các chính sách cần phối hợp tốt. Thời gian qua, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã làm khá tốt thì nay cần phát huy và làm tốt hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh quy mô thị trường tài chính ngân hàng ngày càng phát triển.

Về điều hành chính sách, cần có sự linh hoạt, đặc biệt là với chính sách tỷ giá. Nhiều ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc phá giá đồng CNY 6 – 7% thì chúng ta cũng nên phá giá tương tự. Tôi cho rằng ý kiến đó là thiếu cơ sở. Qua phân tích dữ liệu, chúng tôi thấy rằng, tỷ giá thực của tiền đồng Việt Nam trong một năm rưỡi qua thực tế đã mất giá so với đồng tiền của 20 đối tác thương mại chính của chúng ta khoảng 4,5%. Nếu tiếp tục giảm giá nữa thì quá nhiều. Hơn nữa, tỷ giá thực của CNY thực ra không thay đổi từ đầu năm ngoái đến giữa tháng 6 năm nay, nên Chính phủ Trung Quốc đã tính toán điều đó và phá giá khá mạnh trong quý II, III. Tuy nhiên, tôi cho rằng, họ sẽ thay đổi chính sách, không tiếp tục để CNY mất giá quá nhiều bởi họ không muốn bị cho là thao túng tiền tệ và cũng muốn ổn định đồng CNY để thực hiện lộ trình quốc tế hóa đồng tiền này.

Mặt khác, khi điều chỉnh tỷ giá VNĐ, cần tính toán tổng hợp hài hòa nhiều yếu tố khác như nhập khẩu, nợ nước ngoài, lạm phát... Thời gian qua, cơ quan điều hành đã tính toán khá đầy đủ, tổng hợp các yếu tố khi quyết định vấn đề tỷ giá, song tôi vẫn mong muốn cơ chế điều hành tỷ giá của chúng ta sẽ linh hoạt hơn nữa. Cần tính toán lại rổ tiền tệ, vì rổ này đã thực hiện 3 năm qua, cấu trúc đồng tiền trong rổ đã thay đổi. Thị trường mua bán ngoại tệ cần dễ dàng hơn, để DN không nhất thiết vay hay cho vay ngoại tệ mà có thể chuyển sang trạng thái mua bán, như tinh thần của Nghị định 24 Chính phủ ban hành trước đây.

PV: Xin cảm ơn ông!

H.Y (thực hiện)