Ngân hàng Nhà nước tăng 1% một số khoản lãi suất điều hành Tăng lãi suất điều hành sẽ tác động tới lãi suất tiền gửi thế nào?

Tại cuộc họp báo vừa diễn ra sáng 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành bắt đầu có hiệu lực từ 23/9.

Cụ thể, lãi suất điều hành đã điều chỉnh để thực hiện yêu cầu về điều hành lãi suất thời gian tới, đảm bảo theo hướng phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế trong và ngoài nước, nhưng vẫn kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) để tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường áp dụng công nghệ để ổn định lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại giữ ổn định lãi suất cho vay
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Chí Tín

Theo quyết định mới ban hành của NHNN, lãi suất tái cấp vốn đã tăng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.

Vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%

Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, NHNN cho biết vẫn định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được điều chỉnh tăng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Về điều hành tỷ giá, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; FED tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga – Ukraine,…). Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô./.