Hướng đến quản lý thuế trên nền tảng điện tử

Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế là một trong những nhiệm vụ được ngành Thuế rất quan tâm. Chính sự chủ động áp dụng công nghệ thông tin đã giúp công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, ngành Thuế đã rất chủ động trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Thuế áp dụng vào công tác quản lý thuế. Từ năm 2009, ngành Thuế đã tiến hành đăng ký thuế điện tử, kê khai thuế điện tử, năm 2015 ngành Thuế triển khai vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, về khai thuế điện tử cho doanh nghiệp, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc.

Về nộp thuế điện tử, cơ quan thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Ngoài triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, các ngân hàng thương mại đã thực hiện tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 843.663 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99%.

Đồ họa:Thế Dương
Đồ họa:Thế Dương

Từ ngày 1/1/2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 841.643 doanh nghiệp, đạt 98,8% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua hơn 1 triệu giao dịch nộp thuế điện tử, với số tiền trên 122.684 tỷ đồng và 5.870.482 USD.

Về hoàn thuế điện tử, tính từ đầu năm đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 2.411 trên tổng số 2.432 doanh nghiệp hoàn thuế, đạt 99,1%; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 1.567 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 10.353 tỷ đồng.

Tháng 3/2022, Tổng cục Thuế cũng đã công bố, đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; đưa vào triển khai ứng dụng Etax Mobile, hướng đến hỗ trợ các đối tượng người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh có thể khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng.

“Có thể nói, đây là một trong những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa ngành Thuế, góp phần công khai, minh bạch trong quản lý thuế trên nền tảng thuế điện tử” - Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Đẩy nhanh triển khai hóa đơn điện tử

Với việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) như lộ trình đã đề ra, ngành Thuế đặt kỳ vọng năm 2022 sẽ tạo bước đột phá mới trong chuyển đổi số. Đây cũng là mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 đã được Tổng cục Thuế xây dựng và triển khai.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng HĐĐT là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021. Với những lợi ích to lớn của HĐĐT mang lại, Tổng cục Thuế đã xây dựng, trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38, các nghị định và thông tư hướng dẫn, tạo ra hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng về HĐĐT.

Thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ngành Thuế thời gian qua đã hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng cường năng lực quản trị. Theo đó, Đề án Hóa đơn điện tử được thực hiện đã tạo lập ra công cụ cho quản trị doanh nghiệp và tạo lập thị trường, dịch vụ hóa đơn điện tử, tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người nộp thuế. Có thể nói, việc chuyển đổi số của ngành Thuế đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của cả doanh nghiệp, hướng đến chính phủ điện tử.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Tổng cục Thuế đã khẩn trương, quyết liệt triển khai, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật triển khai giai đoạn 1 HĐĐT (từ tháng 11/2021-3/2022) tại 6 tỉnh, thành phố với kết quả 489.000 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng HĐĐT. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính triển khai giai đoạn 2 HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố từ tháng 4/2022 nhằm hoàn thành mục tiêu từ ngày 1/7/2022 mọi tổ chức, cá nhân trên toàn quốc áp dụng HĐĐT.

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, ngành Thuế đặt ra 2 mục tiêu. Thứ nhất, đổi mới, đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Thứ hai, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.