Covid-19 “thúc” ngân hàng số hóa

Những năm gần đây, xu hướng phát triển thị trường bán lẻ hướng tới các đối tượng khách hàng là các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa được các ngân hàng thương mại (NHTM) hết sức quan tâm và đẩy mạnh phát triển. Bên cạnh các dịch vụ cốt lõi như nhận tiền gửi và cấp tín dụng, các NHTM hiện nay liên tục nghiên cứu và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ phong phú khác phục vụ đối tượng bán lẻ như các dịch vụ thẻ, chuyển tiền, ngân hàng điện tử, thanh toán hóa đơn, bảo hiểm kèm nhiều chương trình khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.

Phát triển ngân hàng bán lẻ: Còn nhiều điểm nghẽn về pháp lý

Chia sẻ tại một diễn đàn liên quan đến các vấn đề phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong giai đoạn Covid-19, đã có hơn 3 triệu tài khoản được mở bằng hình thức eKYC (định danh khách hàng điện tử). Các tổ chức tín dụng cũng đã mở hơn 100 nghìn điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Thông qua hệ thống thanh toán của NAPAS, bình quân mỗi ngày có 10 triệu giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt là sự bùng nổ của các ví điện tử gắn liền với hoạt động thương mại điện tử trong giai đoạn giãn cách xã hội. Covid-19 chính là chất xúc tác để thúc đẩy chuyển đổi số ở hoạt động ngân hàng bán lẻ trong bối cảnh này, rút ngắn được 2 đến 3 năm chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, sau khi Quyết định số 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) có hiệu lực, từ ngày 9/3/2021 đến nay đã có hơn 1 triệu tài khoản Mobile Money đi vào hoạt động. ‘‘Đây cũng là một trong những dịch vụ góp phần phát triển hệ sinh thái số, đem đến nhiều tiện ích cho người sử dụng…’’ - ông Lê Anh Dũng nói.

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách

Song song với tốc độ phát triển nhanh chóng đó, một số vấn đề pháp lý liên quan cũng đã được nhận diện và cần tiếp tục hoàn thiện. Riêng trong bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động ngân hàng bán lẻ đã xuất hiện những điểm nghẽn trong hành lang pháp lý, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải hành động để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; nghị định về cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng sẽ hoàn thiện trong quý II/2022 để trình Chính phủ. Ngoài ra, NHNN ban hành 2 văn bản mang tính thực tiễn, đóng góp rất lớn cho ngành ngân hàng trong chuyển đổi số, đó là Thông tư 16/2020/TT-NHNN ngày 4/12/2020 và Thông tư 17/2021/TT-NHNN ngày 16/11/2021.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, để ngân hàng bán lẻ thực sự trở thành động lực giúp ngân hàng bứt phá, các tổ chức tín dụng cần thay đổi, cập nhật chiến lược, chính sách, quy trình; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ngân hàng mở để thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới và nhu cầu mới của khách hàng; đẩy mạnh tự động hóa, số hóa; tiết giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động; đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, nhân sự số và kỹ năng số phổ cập; đồng thời chú trọng quản lý rủi ro mới, rủi ro an ninh mạng, dữ liệu; nâng cao năng lực tài chính và xử lý nợ xấu; tích cực đề xuất, góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN và bộ, ngành liên quan.

Ngoài ra, Chính phủ, NHNN cũng cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phục hồi và tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ngân hàng xanh với cách tiếp cận phù hợp; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp và ngành ngân hàng; phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện tốt chương trình phục hồi và kiểm soát lạm phát, rủi ro hệ thống; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng; luật hóa xử lý nợ xấu với điều chỉnh, lộ trình phù hợp. ‘‘Sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, của bản thân các tổ chức tín dụng và khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng để dịch vụ ngân hàng bán lẻ phát triển…’’ - ông Lực nói.

Cần giải quyết 4 vấn đề pháp lý

Theo ông Phạm Thanh Ngọc - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, có 4 vấn đề pháp lý nổi bật trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ gồm: Vấn đề pháp lý liên quan đến xác thực khách hàng trong giao dịch điện tử; khai thác, kết nối cơ sở dữ liệu khách hàng của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC); phòng chống rửa tiền đối với các giao dịch của cá nhân và vấn đề pháp lý về bảo mật thông tin trong hợp tác giữa tổ chức tín dụng và công ty fintech.

Phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là xu hướng tất yếu của các tổ chức tín dụng nhằm phát triển mạng lưới khách hàng, mở rộng thị trường và phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội và thúc đẩy phát triển của thị trường tài chính Việt Nam. Nắm bắt được thực tế này, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý khác sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, nhận diện các vấn đề pháp lý và đẩy nhanh giải quyết các vấn đề tồn đọng để tạo thuận lợi cho thị trường bán lẻ của ngân hàng được phát triển.