Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI - mã Ck: PTI) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào ngày 22/4 tại Trụ sở chính của PTI, tòa nhà số 95 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Liên tục tăng vốn để làm gì?
Đại hội dự kiến thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu…
Tiếp tục tăng doanh thu, mục tiêu lợi nhuận giảm Năm 2025, PTI đặt kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng đạt khoảng 4.550 tỷ đồng; doanh thu tài chính dự đạt 287,9 tỷ đồng, đều tăng so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến ở mức 256 tỷ đồng, đều giảm khoảng 20,5% so với kết quả thực hiện năm 2024. |
Tổng công ty dự kiến tiếp tục giữ vững vị thế kinh doanh và thị phần doanh số về bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản kỹ thuật, đấu thầu bảo hiểm.
Cùng với đó, hoạt động đầu tư đảm bảo an toàn và hiệu quả, mang lại lợi nhuận bền vững. Năm 2025, căn cứ theo tình hình thị trường, Tổng công ty cũng có thể phân bổ nguồn vốn, tăng cường đầu tư vào chứng khoán để gia tăng lợi nhuận đầu tư.
Cũng tại đại hội, Hội đồng Quản trị PTI dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2025. Theo lãnh đạo PTI, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp PTI đáp ứng điều kiện tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, tăng cường sự hiện diện trong các dự án quan trọng và gia tăng doanh thu từ phân khúc bảo hiểm doanh nghiệp.
![]() |
PTI mạnh tay tăng vốn, nhưng đặt chỉ tiêu lợi nhuận thụt lùi trong năm 2025. Ảnh tư liệu. |
Theo đó, công ty dự kiến tăng vốn thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 100%) và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 50%), nâng vốn điều lệ lên 3.015 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2025 và/hoặc 2026, sau khi có chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, PTI trình kế hoạch chào bán thêm 120,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chào bán thành công thì PTI sẽ thu về thêm 1.206 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu 50%, trường hợp không phân phối hết, Hội đồng Quản trị được đại hội ủy quyền tìm kiếm giải pháp huy động thay thế như vay từ tổ chức tín dụng hoặc đối tác chiến lược.
Nguồn vốn thu được sẽ được phân bổ theo cấu trúc: 40% bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư các giấy tờ có giá trên thị trường, đầu tư các loại tài sản khác trên thị trường tài chính/chứng khoán; 30% gửi ngân hàng; 20% bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động có liên quan đến kinh doanh bảo hiểm; 15% đầu tư hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, PTI cũng đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. PTI dự kiến phát hành gần 60,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận thêm một cổ phiếu), mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá là 603 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện là từ thặng dư vốn cổ phần (452 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (178 tỷ đồng). Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2025 hoặc đầu 2026.
Trước đó, theo ghi nhận, suốt gần 10 năm qua, từ ngày 21/4/2015 đến hết năm 2024, Tổng công ty không thực hiện thêm bất kỳ đợt thay đổi vốn đầu tư của chủ sở hữu nào. Đầu năm 2025, Tổng công ty đã phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, với mức tăng 50% lên 1.206 tỷ đồng.
Vẫn đối mặt nhiều thách thức giai đoạn tái cấu trúc
Nhìn lại năm 2024, PTI ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 322 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ và vượt 84% so với kế hoạch đề ra. Mức vượt kế hoạch lớn chủ yếu do công ty đặt mục tiêu thận trọng, với kế hoạch ban đầu là 175 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong suốt 26 năm hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ này.
![]() |
Nguồn: PTI. |
Doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2024 đạt 4.016,1 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2023. Như vậy, hai năm liên tiếp, doanh thu phí bảo hiểm gốc của PTI đều giảm khoảng 20%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 205 tỷ đồng, giảm 24,5%.
Tăng vốn điều lệ 50% nhưng vẫn thấp trong ngành Năm 2024, Hội đồng Quản trị PTI thực hiện triển khai công việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, đưa vốn điều lệ lên 1.206 tỷ đồng, tương đương mức tăng 50% sau gần 10 năm không điều chỉnh vốn. Trong báo cáo hoạt động của Hội đồng Quản trị, Chủ tịch PTI đánh giá, so với thị trường và quy mô hoạt động của PTI, vốn điều lệ của Tổng công ty vẫn đang ở mức thấp. |
Năm vừa qua, PTI cũng triển khai thành công quá trình tái cấu trúc toàn diện, bao gồm: sắp xếp và hoàn thiện mô hình tổ chức kinh doanh, củng cố các điều kiện vận hành hiệu quả, tăng cường quản trị sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chi phí và rủi ro, đồng thời duy trì tỷ lệ kết hợp (combined ratio) hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính trọng yếu của Tổng công ty.
Tuy nhiên, trong báo cáo hoạt động của Hội đồng Quản trị, lãnh đạo PTI thừa nhận, quá trình tái cấu trúc cũng kéo theo những đánh đổi không nhỏ: doanh thu sụt giảm, ảnh hưởng đến thị phần và vị thế cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, nhiều nhân sự chủ chốt đã rời khỏi Tổng công ty. Dù vậy, PTI vẫn kiên định theo đuổi định hướng chiến lược đã đề ra và kiểm soát tốt các rủi ro phát sinh trong quá trình chuyển đổi.
Trong công tác quản trị, các thành viên Hội đồng Quản trị tích cực trao đổi, định hướng để hoàn thiện bản đồ chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty. "Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch PTI, một số thành viên Hội đồng Quản trị vẫn chưa thực sự đặt lợi ích của Tổng công ty lên hàng đầu, đặc biệt là khi thảo luận và thông qua những quyết sách quan trọng như: chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm nâng cao năng lực tài chính, hay phê duyệt khung giao dịch với các bên liên quan, vốn là cơ sở để triển khai các hoạt động trong năm" - báo cáo hoạt động của Hội đồng Quản trị PTI nêu rõ.
Trong năm qua, hai thành viên Hội đồng Quản trị người Hàn Quốc là ông Lee Kang Jin và ông Koo Young Joo thường xuyên không tham dự trực tiếp các cuộc họp Hội đồng Quản trị, mà ủy quyền cho ông Park Ki Huyn tham dự và biểu quyết. Việc thiếu vắng ý kiến trực tiếp từ các thành viên này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận và hiệu quả ra quyết định tại các cuộc họp.
Trong đại hội tới đây, PTI cũng bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2025 - 2030. Theo đó, PTI dự kiến cơ cấu Hội đồng Quản trị gồm 9 thành viên, trong đó ít nhất 3 người là thành viên độc lập, đồng thời duy trì 5 thành viên trong ban kiểm soát./.