![]() |
Nguồn: TBTCVN tổng hợp. |
Đánh giá về chất lượng tín dụng năm vừa qua, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nợ xấu nội bảng các ngân hàng thương mại là 733.904,9 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023, chiếm 94,8% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu 4,35%, giảm so với tỷ lệ 4,89% vào cuối năm 2023. Trường hợp không bao gồm 5 ngân hàng thương mại bị kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại là 1,69%.
Toàn cảnh bức tranh nợ xấu ngành Ngân hàng
Theo thông tin từ NHNN, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao có thể kể đến như 4 ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc là: Ngân hàng Số Vikki (tên cũ DongA Bank) có tỷ lệ nợ xấu 46,1%; VCBNeo (tên cũ CBBank) 43,76%; GPBank 15,87%; MBV (tên cũ OceanBank) 7,18%. Đáng chú ý, Ngân hàng SCB đang trong diện kiểm soát đặc biệt có tỷ lệ nợ xấu lên tới 98,5%.
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tập trung xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. 4 ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết. NHNN đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng này cũng như về lâu dài mong muốn Chính phủ xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, giúp hệ thống ngân hàng có cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Còn trong nhóm các ngân hàng niêm yết, theo thống kê của TBTCVN từ báo cáo tài chính các ngân hàng, Ngân hàng Quốc dân (NCB) có tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5/cho vay khách hàng) lớn nhất 16,69%; VPBank 4,2%; OCB 4,02%; ABBank 3,74%; VIB 3,51%...
Cụ thể, NCB có quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) là 13.907 tỷ đồng, tỷ lệ bao nợ xấu 8,6%, cải thiện hơn con số 6,5% cùng kỳ. VPBank có 29.070 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 4,2% dư nợ cho vay khách hàng, với bộ đệm dự phòng cũng cải thiện lên 56,17%, cao hơn cùng kỳ (52,1%). Quy mô nợ xấu tại VIB là 11.373 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 3,51%, tăng 35,81% cùng kỳ song tỷ lệ bao nợ xấu giảm còn 50,06%.
Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm song quy mô nợ nhóm 3 - 5 tại các ngân hàng niêm yết tiếp tục phình to, tăng 15,85% cùng kỳ, lên 228.566,53 tỷ đồng. Trong đó, có 4/27 nhà băng giảm nhẹ quy mô nợ xấu như: NCB, TPBank, VietABank và OCB. Còn lại hầu hết các ngân hàng đều đối diện với quy mô tổng nợ xấu gia tăng. Trong đó, top 3 ngân hàng tăng mạnh nhất là: BacABank tăng 48,43% lên mức 1.359 tỷ đồng; ACB tăng 46,92%, tương ứng tăng gần 2.800 tỷ đồng nợ xấu lên 8.650 tỷ đồng; Saigonbank tăng 43,66% lên 582 tỷ đồng.
Đầu năm 2025, các ngân hàng tiếp tục miệt mài rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ và giảm gánh nặng nợ xấu. Hiện một nhà băng đang rao bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BR 528447 số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CT 19876 do UBND TP. Đà Nẵng cấp ngày 23/12/2013 cho Doanh nghiệp tư nhân Lệ Nim (nay là Công ty TNHH Lệ Nim), với giá khởi điểm 73,2 tỷ đồng.
Hay 3 lô đất có địa chỉ tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. HCM có diện tích từ 290m2 - 2.285m2 cũng được rao bán với giá khởi điểm 93,6 tỷ đồng. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH TM DV ASV tạm tính đến ngày 20/1/2025 là hơn 105 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 68,9 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi.
Tháo gỡ vướng mắc, sớm luật hóa Nghị quyết 42
Chia sẻ tại hội nghị Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại đầu năm, lãnh đạo VPBank cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu được nêu ra tại nhiều cuộc họp các cấp khác nhau, trong đó, nhiều ngân hàng đề nghị luật hóa giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023). Bởi khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực khiến việc các ngân hàng gặp khó khăn với gần 200 nghìn tỷ tài sản tồn đọng, thậm chí thực tế còn lớn hơn.
Thời gian qua, theo lãnh đạo VPBank, nhiều khách hàng gặp khó khăn khi trả nợ, chây ỳ chậm trả nợ, tới khi khởi kiện thì tỷ lệ khách hàng quay lại đàm phán với ngân hàng tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, trên thực tế, các tòa tiếp nhận chưa đến 30% hồ sơ vì quá tải. Vì vậy, ngân hàng cần được tháo gỡ các thủ tục, vướng mắc và có quyền đòi nợ chính đáng, hợp pháp.
Cùng chung mối bận tâm, lãnh đạo Agribank cho rằng thời gian qua, mặc dù ngân hàng triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên, nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank, theo lãnh đạo Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp rất nhiều thách thức.
"Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành Ngân hàng cũng như Agribank gặp nhiều vướng mắc, chưa được luật hóa đầy đủ. Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu" - lãnh đạo Agribank mong mỏi.
Cũng theo lãnh đạo VIB, để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng thời gian tới, ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu được hoàn thiện. Hiện việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc, khi Nghị quyết 42 không được luật hóa, gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng. VIB cũng như các ngân hàng tin tưởng khi quyền hợp pháp của chủ nợ được đảm bảo, ngành Ngân hàng sẽ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí tín dụng của người vay và các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn cho vay với lãi suất phù hợp.
Nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai năm nay là tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu của đề án và chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, hiệu quả đề án đã được phê duyệt. NHNN tiếp tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại và thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. "Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng; tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro" - lãnh đạo NHNN nêu rõ. Cùng với đó, phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; khai thác tối đa hệ thống thông tin hỗ trợ giám sát từ xa và nguồn thông tin, dữ liệu sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng. NHNN cũng được lãnh đạo Chính phủ giao khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2025 để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. |