Cơ chế chi trả tiền lương mới, tạo động lực khai thác nguồn thu

Ngày 11/11 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) và Hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (NĐ 60) ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Ở góc độ của cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Trường Giang nhận định, NĐ 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính chung, có hiệu lực thi hành ngay đối với tất cả các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL. Cơ chế này tạo điều kiện cho các ĐVSNCL phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực, tài sản, tài chính của Nhà nước và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước; nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công; giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (NSNN); cải thiện nâng cao thu nhập cho người lao động.

Từ thực tế cho thấy, NĐ 60 đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL và Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, NĐ 60 đã sửa đổi về cơ chế chi trả tiền lương, tạo động lực khuyến khích ĐVSNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính...

Ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Bên cạnh đó, NĐ 60 đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính và nguyên tắc NSNN hỗ trợ ĐVSNCL. Theo lý giải của Bộ Tài chính, tại các nghị định trước đây, việc xác định mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL chưa phân biệt theo mức độ tự chủ về nguồn thu và nhiệm vụ chi các hoạt động dịch vụ. NĐ 60 đã quy định việc phân loại mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL trên cơ sở tách bạch rõ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, thực hiện nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước với hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh liên kết của ĐVSNCL.

NSNN hỗ trợ ĐVSNCL theo nguyên tắc: Đối với ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước. Đối với ĐVSNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, việc giao dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao và thực hiện theo mục tiêu đề ra (tại Nghị quyết số 19-NQ/TW), đó là: Đến năm 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 - 2020.

Trao quyền tự chủ theo mức độ tự chủ tài chính

Một điểm đáng lưu ý của NĐ 60 là bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế - dân số, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. “Giáo dục đào tạo và y tế là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công. Để có thể thực hiện được ngay sau khi ban hành, NĐ 60 đã quy định một số nội dung đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của ĐVSNCL trong các lĩnh vực này. Theo đó, ĐVSNCL được thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, trong trường hợp đơn vị không có đủ trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều này đã tháo gỡ được khó khăn của các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay” - ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trường Giang, NĐ 60 đã quy định trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính. Đơn cử như, ĐVSNCL tự chủ tài chính ở mức cao (tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên) được chủ động hơn trong quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, quản lý phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Như vậy, đối với ĐSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, NĐ 60 đã bổ sung quy định thành 3 nhóm, gồm: đơn vị tự bảo đảm trên 70% chi thường xuyên (nhóm 1); tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên (nhóm 2); tự bảo đảm dưới 30% chi thường xuyên (nhóm 3).

Ông Nguyễn Trường Giang lý giải, việc quy định các nhóm đơn vị để đảm bảo công bằng trong quy định mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ, phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị. Nhóm 1 sẽ được khuyến khích hơn để nâng dần mức độ tự chủ lên tự bảo đảm chi thường xuyên.

Ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, để tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật Giá, NĐ 60 đã quy định đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ không sử dụng NSNN. Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 được trích lập các khoản dự phòng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và liên doanh liên kết theo quy định đối với doanh nghiệp.

* Ông Nguyễn Văn Phụng - Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng:

Xem xét giao một số thẩm quyền cho UBND tỉnh

Tăng tính chủ động, thu hút nguồn lực ngoài nhà nước
Ông Nguyễn Văn Phụng

Hiện nay, một số danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đã được UBND TP. Đà Nẵng ban hành. Đồng thời, tại địa phương đang triển khai rà soát, điều chỉnh danh mục đảm bảo phù hợp với quy định của các bộ, cơ quan trung ương và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, để thuận lợi cho việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành (mới) danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, UBND thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giao thẩm quyền giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Theo đó dự kiến điều chỉnh nội dung tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (NĐ 60) và không điều chỉnh tại Khoản 14 Điều 1 dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 60.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung thêm một khoản trong Điều 35 NĐ 60, trong đó quy định riêng đối với các địa phương thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo hướng: Đối với ĐVSNCL thuộc UBND quận (đơn vị dự toán ngân sách), xây dựng phương án tự chủ tài chính báo cáo UBND quận xem xét, phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của phòng tài chính - kế hoạch quận.

* Ông Trần Văn Bổng - Chuyên viên cao cấp Vụ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải:

Nhiều mô hình hiệu quả về cơ chế tự chủ tài chính

Tăng tính chủ động, thu hút nguồn lực ngoài nhà nước
Ông Trần Văn Bổng

NĐ 60 được ban hành đã đáp ứng thực tiễn hiện nay là định hướng mở rộng cơ chế tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL ban hành trước đây chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của ĐVSNCL. NĐ 60 đã quy định cụ thể đối với hoạt động liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới và không thành lập pháp nhân mới.

Bên cạnh đó, có rất nhiều mô hình của ĐVSNCL đã phát huy tác dụng về cơ chế tự chủ tài chính. Mặc dù NĐ 60 đã ban hành gần 1 năm, nhưng theo tôi nghị định vẫn ở giai đoạn nghiên cứu, thí điểm, bởi trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh, vướng mắc cần phải điều chỉnh. Đơn cử, trong NĐ 60 quy định 40% số thu để lại để thực hiện cải cách tiền lương. Xét về mặt đáp ứng theo Nghị quyết số 27/NQ-TW thì rất đúng, phù hợp, nhưng xét trên thực tế thực hiện thì khá vướng. Vì vậy, tôi nghĩ cần có giải pháp tháo gỡ.