Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã ck: VCB) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào ngày 26/4 tại Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VCB, khu đô thị Ecopark, Hưng Yên.
Tại đại hội lần này, ngân hàng sẽ thông qua định hướng hoạt động năm 2025, trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Về công tác nhân sự, VCB sẽ thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Một điểm nhấn được ngân hàng dự kiến thông qua tại đại hội là Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng 543,1 triệu cổ phiếu cho tối đa 55 nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa 5.431 tỷ đồng.
Củng cố vị thế dẫn đầu về vốn điều lệ Dự kiến sau khi chào bán riêng lẻ thành công, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng. Trước đó, tháng 3/2025, Vietcombank hoàn thành tăng vốn và trở thành ngân hàng thương mại có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng, với quy mô vốn điều lệ đạt trên 83 nghìn tỷ đồng, sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương tăng vốn từ nguồn lợi nhuận lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 (khoảng 27.700 tỷ đồng). |
Việc chào bán có thể thực hiện theo một hoặc nhiều đợt chào bán trong năm 2025 - 2026. Thời điểm và số lượng cổ phiếu chào bán cụ thể của từng đợt chào bán sẽ căn cứ theo thực tế nhu cầu mua của nhà đầu tư.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trong tờ trình, Vietcombank nêu rõ, trong trường hợp đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản thực hiện mua cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại VCB lên đến 20%, Mizuho được quyền đề cử thêm 01 người vào Hội đồng Quản trị và đảm bảo số lượng thành viên Hội đồng Quản trị đại diện cho phần vốn góp của Mizuho tại VCB không vượt quá 02 thành viên trên cơ sở được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã đặt ra mục tiêu cụ thể về vốn tự có thông qua tỷ lệ an toàn vốn (CAR), trong đó phấn đấu đến năm 2023 đạt tối thiểu 10 - 11% và đến năm 2025 đạt tối thiểu 11 - 12%.
Với vị thế là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam, Vietcombank không chỉ hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này mà còn nỗ lực đáp ứng các yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III. Trong bối cảnh đó, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và mang ý nghĩa chiến lược nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh dài hạn.
![]() |
Nguồn: TBTCVN tổng hợp. |
Về kế hoạch kinh doanh năm 2025, ngân hàng cho biết sẽ cập nhật sau khi có phê duyệt của NHNN. Trước đó, năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, về cơ bản các chỉ tiêu kinh doanh của Vietcombank đều có sự tăng trưởng tốt so với năm 2023 và ở mức trung bình cao so với ngành ngân hàng,
Theo đó, tổng tài sản Vietcombank cuối năm 2024 đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023, trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được NHNN giao. Tổng huy động vốn đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023.
Vietcombank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ xấu nội bảng là 13.964 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,96%, dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 31.183 tỷ đồng. Tuy kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất hệ thống nhưng tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 223%, cao nhất trong nhóm các ngân hàng lớn tại Việt Nam.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế Vietcombank đạt mức kỷ lục mới 42.236 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2023. Với kết quả đạt được, Vietcombank tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong toàn hệ thống, đồng thời duy trì khoảng cách đáng kể so với hai ngân hàng lớn đứng sau là VietinBank (31.758 tỷ đồng) và BIDV (31.383 tỷ đồng)./.