Tạo đà, tạo lực đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nhiều cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng tham vọng

Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4% trong gần 40 năm đổi mới từ 1986 đến nay. Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD, nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% mỗi năm thì rất khó đạt các mục tiêu đề ra.

Rà soát các sắc thuế trong biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi

Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các sắc thuế đang áp dụng với các nước, nhất là các nước có quan hệ Đối tác Chiến lược/Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, trong đó có Hoa Kỳ trên tinh thần đảm bảo hài hòa, cân bằng lợi ích; khẩn trương trình Chính phủ việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đảm bảo hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên theo trình tự thủ tục rút gọn.

Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các cuộc làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp, các chuyên gia nhằm tìm giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong 2 thập kỷ tới, đạt cho được các mục tiêu chiến lược đề ra. Nói như Thủ tướng Chính phủ, “chặng đường chúng ta đi còn rất gian lao”. Tuy nhiên, không phải vì khó mà lùi bước.

Đi tìm lối ra trên con đường khó, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc với các địa phương đã gợi mở và nhấn mạnh: “Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới năm 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc”.

Hiến kế để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết, ông tin tưởng mục tiêu này có thể đạt được. Bởi vì Việt Nam đã có những năm tăng trưởng rất cao như giai đoạn 1992 - 1996, giai đoạn 2002 - 2007, giai đoạn 2015 - 2019 kinh tế tăng trưởng 6,8 - 7%/năm, riêng hai năm 2018 - 2019 tăng trưởng trên trên 7,4%/năm. Sau đó gặp đại dịch Covid-19, kinh tế suy giảm sâu, hai năm 2020 - 2021 tăng trưởng 2,6% - 2,9%/năm.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần có thể chế thông thoáng, thông minh và cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phát huy 3 động lực tăng trưởng truyền thống: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Khởi động nhanh 3 động lực đổi mới sáng tạo

Cũng có quan điểm như đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng). Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Muốn làm được, phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…

Theo phân tích của các chuyên gia, về đầu tư, theo mục tiêu cũ năm 2025 tăng trưởng 6,5 - 7%/năm với tổng vốn đầu tư xã hội là 171 tỷ USD, trong đó đầu tư công 33 tỷ USD. Mục tiêu mới tăng trưởng 8%, tổng vốn đầu tư xã hội là 174 tỷ USD, trong đó đầu tư công 36 tỷ USD, tăng thêm 9%. Khi đầu tư công tăng thêm 10% sẽ góp phần tăng trưởng GDP khoảng 0,6%. Vì khu vực dân doanh chiếm trên 55% tổng vốn đầu tư xã hội, do đó, theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, phải có gói giải pháp đồng bộ để huy động vốn, đầu tư từ khu vực dân doanh: giảm tiền thuê đất, phí, thuế, bảo lãnh tín dụng, lãi suất tín dụng hợp lý…

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để tăng trưởng nhanh, bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong điều hành vĩ mô, cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, ưu tiên vốn đầu tư phát triển, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công. Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, cần khởi động nhanh 3 động lực mới theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngay sau khi Trung ương quyết nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên, nhiều tờ báo như Bloomberg và The Business Times đã có những bài viết về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025. Các bài báo đánh giá Việt Nam là nước có “tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, chưa bao giờ dừng lại”. Đồng thời kỳ vọng, đây sẽ là bước tiến cần thiết để Việt Nam chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.

Mới đây, nhận định về mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng UOB cho rằng, Việt Nam đặt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí hai con số là hoàn toàn có thể, như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc, đặc biệt khi Việt Nam đã có động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với mức tăng trưởng trên 7%.

Tăng mạnh đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng

Ngay từ đầu năm, mục tiêu tăng trưởng cả nước đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 đã được Chính phủ nêu bật trong Nghị quyết số 25/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đạt cho được mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB, Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào một số lĩnh vực nhằm nâng cao cơ hội đạt mức tăng trưởng 8%, hoặc thậm chí hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cần ổn định để tránh tình trạng "quá nóng" và lãng phí nguồn lực. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ sự suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất.

Còn nhớ, ngay từ cuối năm ngoái, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được các tổ chức và các chuyên gia quốc tế đánh giá cao nhờ những cải cách về thể chế và quyết sách đầu tư mạnh mẽ, bất chấp tình hình kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn nhiều biến động khó lường trong năm nay.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, Việt Nam có thể tập trung vào đầu tư công, phát triển hạ tầng, đầu tư vào lĩnh vực xanh hoặc lĩnh vực kỹ thuật số. Ngoài ra, còn có nỗ lực xây dựng một số thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Điều này cho thấy sự tập trung vào các ý tưởng, hoạt động và sáng kiến nội địa trong bối cảnh bất định toàn cầu.

Thận trọng hơn, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, đà tăng trưởng cao của Việt Nam có thể tiếp tục duy trì trong năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam có thể tác động đến xuất khẩu. Theo ông Andrea Coppola, chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam, do đó vẫn phải trông chờ nhiều vào chính sách tài khóa và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. /.