Tháo gỡ “điểm nghẽn” đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Luật Đấu thầu mới và Nghị định 24 có nhiều điểm mới, giúp đấu thầu thuốc, vật tư y tế thuận lợi hơn. Ảnh tư liệu

Nhiều chính sách khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP để tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế có hiệu lực đến hết năm 2023. Đồng thời, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT được cho là giải pháp tích cực, tháo gỡ những "nút thắt" cho các bệnh viện trong đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị y tế.

Nhờ vậy, việc mua sắm, đấu thầu đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, dẫn đến nhiều cơ sở y tế vẫn xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế. Ngày 27/2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 với nhiều điểm mới gỡ vướng cho các bệnh viện trong mua sắm, đấu thầu.

Thuận lợi cho các bệnh viện mua sắm, đấu thầu trong thời gian tới

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho rằng, Nghị định 24 quy định khi đấu thầu mua thuốc, vật tư hóa chất không nhất thiết phải cần 3 báo giá như trước đây.

Bên cạnh đó, nghị định cho phép ghi vào hồ sơ thầu mua vật tư, thiết bị y tế công bố xuất xứ hàng hóa thuộc nhóm nước, khu vực và vùng lãnh thổ theo khả năng tài chính và nhu cầu của bệnh viện. Đây là bước tiến mới thuận lợi cho các bệnh viện thực hiện mua sắm, đấu thầu trong thời gian tới.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho rằng, Nghị định 24 đã đưa ra những giải pháp để các bệnh viện bảo đảm có đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Đây cũng là hành lang pháp lý để các bệnh viện thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguồn hàng phục vụ người bệnh từ 1 - 2 năm, không phải mua hàng theo kiểu ngắn hạn, bị động và nhỏ giọt như thời gian qua.

Tuy nhiên, kể cả khi đã có đủ các hướng dẫn thì từ thời điểm làm các thủ tục đến khi có thuốc, vật tư y tế cung ứng cũng phải mất ít nhất 2 tháng. Do đó, trong khi chờ thầu, bệnh viện sẽ tiếp tục mua sắm các gói nhỏ để bảo đảm công tác khám chữa bệnh.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã sẵn sàng các hạng mục cần mua sắm để khi có các hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư y tế sẽ triển khai ngay. Tuy nhiên, theo quy định, để hoàn thiện các quy trình đấu thầu đến khi có hàng cũng phải mất từ 2 - 3 tháng.

Còn theo TS. Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng với đó là nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1 - 2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện. Khi chưa có hướng dẫn triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế của Luật Đấu thầu thì bệnh viện vẫn mua sắm những gói thầu nhỏ trong phạm vi cho phép hoặc mua theo hình thức khẩn cấp.

Các chuyên gia cho rằng, để tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập trên cả nước kịp thời, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Nghị định 24 ban hành được lãnh đạo các bệnh viện đánh giá cao. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể.

Cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm

Tại Hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc 2024, đánh giá về những điểm mới trong Nghị định 24, ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính từ ngày 1/1/2024 khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng, đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có các gói thầu mua sắm cho y tế.

Ngày 27/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm mà không cần chờ sự ra đời của những thông tư hướng dẫn.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Ảnh minh họa

Theo ông Cương, Luật Đấu thầu mới và Nghị định 24 có nhiều điểm mới, giúp đấu thầu thuốc, vật tư y tế thuận lợi hơn, có thể chỉ định thầu trong trường hợp có dịch bệnh, hoặc ngay trong một số tình huống để đảm bảo hoạt động thường xuyên của bệnh viện. Bên cạnh đó, cũng có một số hình thức mua sắm mới như chào giá trực tuyến minh bạch trên mạng đấu thầu quốc gia, từ 3 - 4 ngày bệnh viện có thể mua được linh kiện.

Nghị định 24 cũng cho phép các bệnh viện có thể xác định giá gói thầu theo báo giá, kể cả trường hợp có một báo giá thì cũng lấy báo giá đó làm giá dự kiến cho gói thầu, hoặc có nhiều báo giá thì có thể lấy giá dự kiến từ gói thầu giá cao nhất.

Đây là điểm mới rất đáng chú ý so với các quy định trước đó. Ngoài ra, các bệnh viện cũng có thể áp dụng tùy chọn, mua thêm tối đa 30% gói thầu mua sắm trước đó. Quy định mới cũng giao quyền cho chủ đầu tư, nhận diện được những khó khăn vướng mắc trước đây để gỡ khó.

“Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các thông tư hướng dẫn Nghị định 24 để các bệnh viện áp dụng trong mua sắm, đầu thầu. Trong 3 thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện các quy định tại nghị định này thì một thông tư liên quan đến đàm phán giá, một thông tư về mua sắm tập trung là trách nhiệm của Bộ Y tế, còn đối với bệnh viện nếu tự mua thì cũng không ảnh hưởng gì. Một số bệnh viện lớn chỉ có vướng mắc trong việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, chúng tôi đã hướng dẫn" - ông Cương cho hay./.