Những tín hiệu tốt để “phá băng"

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) liên tiếp nhận được sự hỗ trợ thông qua nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, từ trái phiếu cho đến hạ nhiệt lãi suất ngân hàng. Các động thái này được xem như là giải pháp giúp thị trường “phá băng”, phục hồi trở lại.

Nhận định về thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường BĐS quý I/2023 đang có những tín hiệu tốt, nhờ hàng loạt động thái hỗ trợ từ Chính phủ, như việc thành lập tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục đôn đốc đơn vị liên quan xem xét, tìm cách tháo gỡ khó khăn ở từng địa phương.

Ngoài ra với điểm nghẽn về nguồn vốn, Chính phủ lại đưa ra phương án tháo gỡ rất cụ thể, khi giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay kèm lãi suất thấp hơn thị trường. Đây là "liều thuốc bổ" rất có giá trị hỗ trợ thị trường vào thời điểm này.

Bên cạnh đó, Nhà nước đang điều chỉnh khung pháp lý cho hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) BĐS thông qua các chính sách. Việc điều chỉnh tập trung theo hướng tránh chồng chéo với văn bản pháp luật. Mặt khác, Nhà nước cũng đề cập đến việc doanh nghiệp BĐS cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại dòng sản phẩm để thị trường dễ hấp thụ. Bởi đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp nhu cầu số đông là một trong những giải pháp về nguồn vốn giúp doanh nghiệp BĐS có thể “tự cứu mình".

“Mặc dù giao dịch chưa thể sôi động ngay, nhưng có thể thấy thị trường đang dần có dấu hiệu vực dậy niềm tin. Sự vào cuộc của Chính phủ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, về chính sách tín dụng… cùng sự đồng lòng của các đơn vị, tổ chức, các nhà môi giới cá nhân, dự báo thị trường BĐS sẽ ấm lên từ quý III/2023” - TS. Đính cho hay.

Theo khảo sát của Savills, 80% lượng giao dịch thành công trong bối cảnh hiện nay đến từ những dự án có pháp lý vững chắc, đảm bảo tiến độ xây dựng theo cam kết đã đặt ra. Trên thực tế, cuộc tái cấu trúc trên thị trường BĐS đã diễn ra trong nhiều tháng qua. Các chủ đầu tư trước đây phát triển nhiều dự án dàn trải, nay đã thu hẹp lại, bán bớt các dự án không phù hợp để tập trung dồn nguồn lực vào những dự án trọng điểm. Trong đó, tiến độ của các dự án được doanh nghiệp quan tâm thúc đẩy để sớm tái tạo dòng tiền, thu hút nhà đầu tư quay trở lại.

Tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Trang Bùi nhận định: “Thị trường BĐS Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các dự án tạo ra lợi nhuận. Họ vẫn không ngừng tìm kiếm những dự án BĐS đang hoạt động, hoặc tìm cách liên doanh cùng các đối tác có danh tiếng tốt. Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô đã khả quan hơn và những chuyến bay quốc tế được mở lại, thị trường M&A chắc chắn là sôi động”.

Bất động sản vẫn thu hút mạnh vốn FDI

Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất động sản vẫn là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn đầu tư trong 3 tháng đầu năm đạt 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).

Nói về tiềm năng của các phân khúc BĐS, ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, phân tích: “Thị trường BĐS Việt Nam đang được hưởng lợi từ những ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định và mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn”.

Mới đây, sự kiện phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác đã cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam. Điều đó cũng thể hiện tiềm năng của Việt Nam trở thành bến đỗ, trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Ông John Campbell cho rằng, ngành công nghiệp và sản xuất sẽ tiếp tục dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung cơ sở hạ tầng xây sẵn chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành một bài toán khó cho các doanh nghiệp, khi tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức cao. Theo vị chuyên gia này, để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vấn đề thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án cần được đẩy nhanh hơn.

Nhận định về tiềm năng đầu tư, ông John Campbell cho rằng, thị trường BĐS công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển đa dạng hơn với các sản phẩm như: trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.