TP. Hồ Chí Minh: Xóa rào cản để thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Hiệp Phước là một trong các khu công nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh hiện có 11.868 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư (kể cả cấp mới và tăng vốn) là hơn 81,29 tỷ USD, dẫn đầu số dự án còn hiệu lực so với các tỉnh thành trên cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, nếu như Việt Nam là điểm sáng trong thu hút FDI của khu vực, thì TP. Hồ Chí Minh là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Với 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đang hoạt động, đã góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, thu nhận kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Năm 2022, nguồn vốn FDI chiếm 13,02% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 78.000 tỷ đồng cho ngân sách, giải quyết trên 568.000 việc làm, đóng góp 61% giá trị xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh thu hút tổng số vốn FDI đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI đổ vào TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của thành phố có nhiều khởi sắc trong quý II, sau khi giảm sâu ở quý I/2023.

Theo các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đối diện nhiều thách thức, trong đó môi trường đầu tư được xác định là yếu tố quan trọng nhất cần được cải thiện.

Theo phân tích của đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, nhưng vẫn còn một số rào cản cần sớm xóa bỏ.

Bởi qua khảo sát cho thấy, 50% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; và hơn 40% doanh nghiệp gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, thẩm duyệt.

Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong số các tranh chấp giải quyết tại VIAC năm 2022 có tới 40% là tranh chấp về đầu tư. Thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề nhưng chưa có quy định điều chỉnh, hoặc có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn nhau, tạo ra những cách hiểu khác nhau. Hệ quả là hoạt động đầu tư gặp khó khăn, thậm chí phát sinh tranh chấp.

Xóa bỏ mọi rào cản

Theo các chuyên gia, tuy đứng trước những thách thức, nhưng TP. Hồ Chí Minh cũng có nhiều cơ hội và lợi thế, đó là Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là cơ hội bứt phá trong cuộc đua thu hút đầu tư.

Theo đó, giải pháp của TP. Hồ Chí Minh đang cần được ưu tiên hiện nay là các cấp có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện chính sách theo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cùng với đó là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh xanh chú trọng bảo vệ môi trường, giảm phát thải, năng lượng tái tạo…

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cho rằng, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu. Nhằm tận dụng lợi thế này, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số vấn đề mấu chốt, trong đó có thể chế, nhân lực; đặc biệt pháp lý đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu.

TP. Hồ Chí Minh: Xóa rào cản để thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Một góc trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Bàn giải pháp tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây tại buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ thiết lập kênh thông tin chia sẻ, minh bạch về các dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư thuận lợi hơn.

Theo ông Cường, hiện thành phố đang tập trung triển khai nhiều chính sách cụ thể hóa Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 về phát triển TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Hồ Chí Minh có hiệu lực từ 1/8/2023 và cũng đã được HĐND TP. Hồ Chí Minh cụ thể hóa bằng việc xây dựng và thông qua một nghị quyết mới về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Trong đó, có thiết kế nhiều chính sách vượt trội về các nhóm quản lý đầu tư, quản lý chính sách, quản lý đất đai tài nguyên môi trường, vốn nhà đầu tư chiến lược, cũng như về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

"Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tiếp tục quan tâm, ưu tiên và lắng nghe, tiếp thu với những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Trong đó, nhiều vấn đề còn khó khăn sẽ tiếp tục cùng tháo gỡ" - ông Cường nhấn mạnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, mặc dù nhiều năm qua TP. Hồ Chí Minh luôn là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam, tuy nhiên, dòng vốn đầu tư FDI chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở một số quận, TP. Thủ Đức và một số ngành, lĩnh vực nhất định. Các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan tỏa về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cũng chưa nhiều.

Theo các chuyên gia, với cơ chế mới đặc thù từ Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh đang đặt kỳ vọng rất nhiều vào các nhà đầu tư khi họ yên tâm đầu tư, tăng vốn và tăng dự án vào thành phố. Điều này đang rất cần sự thay đổi khung pháp lý, môi trường. Cùng với đó là các kênh thông tin có sự cải thiện để mối quan hệ giữa các nhà đầu tư với nhau và nhà đầu tư với chính quyền được minh bạch, rõ ràng.

Qua khảo sát, trao đổi thông tin tại các cuộc đối thoại gần đây giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mong muốn TP. Hồ Chí Minh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư được triển khai nhanh chóng, ít tốn kém chi phí...