Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân: Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế Nghị quyết 68-NQ/TW: Tháo gỡ “điểm nghẽn", tạo động lực cho doanh nghiệp bất động sản bứt phá Khẩn trương thể chế hoá, đưa Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống Nghị quyết 68-NQ/TW: Lá chắn pháp lý, bệ phóng cho doanh nghiệp tư nhân

PV: Thưa đại biểu, ông đánh giá thế nào về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, hiện đã được hoàn thiện rất khẩn trương để Quốc hội thông qua ngay trong tuần này?

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Tôi đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương của các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội để rà soát nội dung của hàng loạt văn bản luật hiện hành, nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt là ngay trong tuần này, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đăc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Phải nói rằng, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất hân hoan và kỳ vọng Nghị quyết sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, rút ngắn quy trình cấp phép, tiếp cận đất đai và vốn tín dụng dễ dàng hơn, hình thành môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn.

Từ Nghị quyết của Quốc hội, kỳ vọng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh)

PV: Dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực khác nhau. Ông có đánh giá thế nào về các chính sách này?

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Nghị quyết của Quốc hội đã thể chế hóa khá đầy đủ các nội dung Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng, giúp cho doanh nghiệp có sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực của Chính phủ, Nhà nước, của xã hội.

Doanh nghiệp tư nhân không còn lo bị phân biệt với doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp FDI khi tham gia đấu thầu, tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách hỗ trợ khác… Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến nội dung về không hình sự hóa các tranh chấp dân sự, bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro pháp lý không đáng có.

Với các nhóm chính sách hỗ trợ toàn diện về các lĩnh vực, cả về tiếp cận đất đai, nguồn vốn, tiếp cận thị trường như vậy, vấn đề còn lại là thực lực của doanh nghiệp để hấp thụ nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của xã hội như thế nào. Nếu hấp thu không tốt sẽ gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Đặc biệt, tôi tâm đắc với quy định trong Nghị quyết của Quốc hội là phải đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, giúp họ thành lập và gia nhập thị trường một cách tốt nhất. Đây là điều các doanh nghiệp hiện nay đang rất cần.

PV: Trước đây, chúng ta cũng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43. Tuy nhiên, hiệu quả không như kỳ vọng. Theo ông, làm thế nào để các chính sách được quy định ở Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Như tôi đã nói, việc đầu tiên là khả năng hấp thụ nguồn lực. Do đó, trước khi hỗ trợ khối tư nhân thì chúng ta cần có cuộc khảo sát xem khả năng hấp thụ tới đâu thì hỗ trợ tới đó, vướng nhất ở đâu thì gỡ ở đó, tránh lãng phí nguồn lực. Việc khảo sát thật kỹ những đối tượng để chúng ta đưa nguồn lực vào hỗ trợ sẽ không lãng phí, là điều cần thiết.

PV: Có vấn đề gì ông còn băn khoăn trong các nội dung, chính sách nêu tại dự thảo Nghị quyết?

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng, cá nhân tôi đã đóng góp ý kiến ở các cuộc thảo luận tại tổ, tại hội trường. Trong đó, tôi rất quan tâm đến quy định về thanh tra các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh không quá một lần trong năm.

Quy định này là đúng với chủ trương của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với cơ quan thanh tra để làm sao thanh tra chỉ một lần nhưng đầy đủ tất cả các nội dung doanh nghiệp có thể vướng phải.

Thực tế đã có một số doanh nghiệp có khả năng vi phạm pháp luật một trong nhiều nội dung vào từng thời điểm khác nhau trong năm. Nếu Nghị quyết chỉ quy định thanh tra 1 lần trong năm, mà thiếu sự phối hợp đầy đủ của các cơ quan chuyên ngành liên quan, thì không thể phát hiện ra hành vi vi phạm có thể xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Nhưng cũng không vì thế mà để các cơ quan nhà nước thanh tra nhiều lần trong năm, sẽ làm mất thời gian của doanh nghiệp khi phải tiếp nhiều lần các đoàn thanh tra.

Để đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, nhưng không bỏ sót các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh và cá nhân kinh doanh không chân chính, có thể gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguồn thu ngân sách và người tiêu dùng, tôi đề nghị cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan để đảm bảo rằng việc thanh tra và kiểm tra không quá 1 lần trong năm, nhưng được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả và không trùng lặp.

Có như vậy, sẽ vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp không mất thời gian phải tiếp các đoàn thanh tra, nhưng cũng giúp ngăn ngừa khả năng một số doanh nghiệp không chân chính sẽ lợi dụng để vi phạm pháp luật.

Từ Nghị quyết của Quốc hội, kỳ vọng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại phiên họp ngày 15/5.

PV: Nghị quyết cũng có quy định chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm. Theo ông, việc này nên thực hiện như thế nào?

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là rất đúng, là tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng là hậu kiểm như thế nào. Nếu không khéo thì nhiều việc trở thành việc đã rồi. Nghĩa là sản phẩm, dịch vụ không đạt chất lượng, tiêu chuẩn đã được cung cấp ra thị trường, người tiêu dùng đã sử dụng… Đến khi chúng ta hậu kiểm thì mọi việc đã rồi, hậu quả đã xảy ra.

Do đó, phương thức thực hiện, cách thức thực hiện thế nào để hỗ trợ, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để những sản phẩm lưu thông trên thị trường một thời gian rồi mới phát hiện là sai phạm, không đạt yêu cầu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng.

Muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thì rất cần các quy định pháp luật phải được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng và ban hành theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia;

Tuy nhiên, các quy định đó cũng phải đảm bảo hài hoà lợi ích của cả 2 nhóm đối tượng liên quan mật thiết với doanh nghiệp tư nhân, đó là Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội;

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thì rất cần các quy định pháp luật phải được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng và ban hành theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, các quy định đó cũng phải đảm bảo hài hoà lợi ích của cả 2 nhóm đối tượng liên quan mật thiết với doanh nghiệp tư nhân, đó là Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội...