Xóa bỏ nỗi sợ, xây dựng niềm tin
Với mục tiêu đưa khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 55% GDP vào năm 2030, Nghị quyết 68-NQ/TW mang đến những chính sách đột phá, từ cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đến bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước các rủi ro pháp lý. Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân còn đối mặt với nhiều rào cản về pháp lý và môi trường kinh doanh, Nghị quyết 68 nổi lên như một “lá chắn pháp lý” vững chắc, không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Nhìn lại thời gian qua, người kinh doanh từng đối mặt với rủi ro pháp lý từ quy định chồng chéo. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vướng sai sót hợp đồng hay vi phạm hành chính, nhiều người bị truy cứu hình sự vì tranh chấp dân sự.
Ông Phạm Vũ Hà Linh - Phó Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý Vận tải và Thương mại Sunrise Việt Nam nhận định, Nghị quyết 68 là bước ngoặt, xóa bỏ ưu tiên cho kinh tế nhà nước, tạo sân chơi công bằng cho DNNVV sản xuất, xuất khẩu. “Nghị quyết mở cơ hội đổi mới, dù chúng tôi kỳ vọng thông tư hướng dẫn sớm để hiện thực hóa” - ông Linh nói.
Nghị quyết 68 dựng lên lá chắn pháp lý, biến nỗi sợ thành động lực. Chính sách “không hình sự hóa quan hệ kinh tế” không chỉ bảo vệ người kinh doanh, mà còn mở không gian cho sáng tạo, từ blockchain đến tài sản số, vốn được nghị quyết khuyến khích mạnh mẽ.
![]() |
Nghị quyết 68 68-NQ/TW dựng lên "lá chắn" pháp lý, mở đường cho doanh nghiệp dấn thân vào kỷ nguyên kinh tế số. Ảnh minh hoạ. |
Ông Linh chia sẻ: “Khi Nhà nước bảo trợ hành lang pháp lý rõ ràng, miễn là không vi phạm pháp luật, chúng tôi tự tin phát huy tối đa năng lực kinh doanh”. Công ty Sunrise hoạt động trong logistics và tư vấn thuế, kiểm toán, đang triển khai phần mềm quản lý vận tải quốc tế để giảm rủi ro hợp đồng, hàng hóa, vận chuyển. Ông Linh mong áp dụng hệ thống xét duyệt thanh toán trực tuyến, cho phép ngân hàng duyệt nhanh “bằng một cú click chuột”, tăng minh bạch, tiết kiệm thời gian.
Ông Trần Tú - Giám đốc Công ty TNHH T&G Hồ Chí Minh đánh giá, Nghị quyết 68 khẳng định vai trò cốt lõi của kinh tế tư nhân, tạo môi trường minh bạch, ổn định để đầu tư dài hạn. “Nếu được triển khai hiệu quả, doanh nghiệp như chúng tôi sẽ cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nhà nước và FDI” - ông Tú nói.
“Năm 2020, công ty ông suýt mất hàng triệu USD vì hacker lừa chuyển tiền sang Đức do sơ suất quản lý tài khoản. Do đó, hợp đồng thông minh và công nghệ tài chính sẽ giúp tránh những rủi ro tương tự”- ông Tú chia sẻ thêm.
Từ nỗi lo pháp lý, người kinh doanh giờ đây có bệ phóng để vươn xa. Nghị quyết 68 không chỉ là lá chắn mà là cầu nối, định vị Việt Nam sánh vai Singapore với khung pháp lý minh bạch, thu hút dòng vốn toàn cầu. |
Cũng theo ông Tú, công ty đang tích hợp blockchain để bảo vệ thanh toán quốc tế, dùng AI quản lý đơn hàng, tồn kho, lịch vận chuyển, và ứng dụng cảm biến, phần mềm giám sát.
Bà Lưu Quỳnh Trang - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lưu Trang nhấn mạnh, Nghị quyết 68 là bước ngoặt, phân định rõ vi phạm hình sự và sai sót hành chính, dân sự, ưu tiên khắc phục thay vì trừng phạt.
“Điều này tạo môi trường pháp lý ổn định, chuẩn quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp tự sửa sai và phát triển bền vững. Điểm đột phá là cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, xóa định kiến về kinh tế tư nhân, giải quyết rào cản “hành chính - xin cho” để đặt doanh nghiệp làm trung tâm chính sách. Doanh nghiệp được bảo vệ khỏi thanh tra trùng lặp, chỉ kiểm tra một lần/năm trừ khi có vi phạm rõ ràng” - bà Trang nói.
Đồng hành vượt thách thức
Nghị quyết 68 dù là bệ phóng, thách thức vẫn hiện hữu vì nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn với thủ tục hành chính, từ phòng cháy chữa cháy đến cấp phép xây dựng.
Ông Phạm Vũ Hà Linh cho biết: “Một tờ khai hải quan phải qua nhiều bước, gây tốn thời gian và chi phí lưu kho, vận chuyển”. Ông Linh kỳ vọng Nghị quyết 68 với đề xuất số hóa thủ tục và hạn chế thanh tra thường xuyên sẽ rút ngắn thời gian thông quan.
Ông Trần Tú bổ sung: “Quy định thông quan là 3 ngày, thực tế kéo dài đến 5 ngày, tăng chi phí thuê container”. Ông Linh mong cải cách hệ thống một cửa, giảm thông quan còn 1 ngày, đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành, thống nhất quy trình cửa khẩu, chuẩn hóa cấp phép kỹ thuật.
![]() |
Pháp luật đồng bộ chính là lá chắn pháp lý giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ảnh minh hoạ |
Nếu đạt mục tiêu này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí, cải thiện dòng tiền, nâng cạnh tranh. Ông Tú cũng kỳ vọng ưu đãi thuế, tín dụng giúp đầu tư tự động hóa, sản xuất hàng hóa giá trị cao, thân thiện môi trường, cùng minh bạch đấu thầu và tiếp cận đất đai, nguồn lực.
Bên cạnh thách thức hành chính, rủi ro pháp lý cũng là mối quan tâm lớn. Bà Lưu Quỳnh Trang lưu ý “hạn chế hình sự hóa” không miễn trừ trách nhiệm. Doanh nghiệp vẫn bị xử lý nghiêm nếu vi phạm đủ yếu tố tội phạm và áp dụng pháp luật đôi khi chưa đồng đều.
Doanh nghiệp cần rà soát pháp lý nội bộ, duy trì hệ thống tuân thủ chặt chẽ, tham vấn luật sư, đồng thời đề xuất chuyển đổi minh bạch qua đăng ký kinh doanh hợp pháp và chuẩn hóa kế toán.
Lá chắn pháp lý chỉ vững khi thủ tục hành chính được tinh giản và pháp luật áp dụng đồng bộ. Nghị quyết 68 không chỉ giải quyết rào cản hành chính mà còn xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, giúp doanh nghiệp tự tin vươn xa.
Theo Chiến lược quốc gia, kinh tế số được kỳ vọng đóng góp 30% GDP vào năm 2030, và Nghị quyết 68 là động lực để hiện thực hóa giấc mơ đó. Nhưng như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, khát vọng chỉ thành hiện thực khi doanh nhân và Nhà nước cùng bước, biến chính sách thành hành động, đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu. |