Triển vọng của Việt Nam, trong khi toàn cầu chậm lại

Đánh giá về triển vọng kinh tế toán cầu năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục đà giảm khi các nền kinh tế lớn đều sẽ tăng trưởng chậm lại, trì trệ dưới mức tiềm năng, thậm chí có nền kinh tế suy thoái. Các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản chậm lại, dưới mức tiềm năng, còn kinh tế châu Âu nhiều khả năng sẽ rơi vào trì trệ. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về tài chính tiếp tục tác động đến tăng trưởng và tổng cầu yếu. Kéo theo đó, dòng đầu tư toàn cầu được dự báo chậm lại trong cả năm nay. Ngay cả với quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới là Trung Quốc cũng bị sụt giảm khá mạnh.

Hơn 2,36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2024, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023 và con số giải ngân đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chip bán dẫn vẫn tiếp tục được kỳ vọng là lĩnh vực sẽ sôi động trong việc đón sóng đầu tư nước ngoài trong năm nay.

Cụ thể, trong Báo cáo thực trạng và triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, Liên hợp quốc dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% vào năm 2023 xuống còn 2,4% vào năm 2024. Đồng thời, cũng theo Liên hợp quốc, tăng trưởng đầu tư ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển chậm lại đáng kể do bất ổn kinh tế, gánh nặng nợ cao và lãi suất tăng. Trong khi, thương mại quốc tế đang mất dần vai trò là động lực tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu chỉ phục hồi lên 2,4% vào năm 2024.

Trong bối cảnh đó, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh mẽ vào Việt Nam. Ngay đầu năm 2024, hoạt động thu hút FDI của nước ta đã rất sôi động với những dự án trăm triệu USD.

Vốn đầu tư "rót" mạnh vào Việt Nam trong khi dòng đầu tư toàn cầu được dự báo chậm lại
Tháng I/2024, Việt Nam thu hút vốn FDI tăng 40,2%. Ảnh: TL

Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tháng I/2024, Việt Nam đã thu hút vốn FDI đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có nhiều dự án lớn, đơn cử, Trina Solar – tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, đã đầu tư dự án sản xuất, với tổng vốn đầu tư 454,4 triệu USD. Dự kiến, dự án này sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2025.

Cơ hội thu hút FDI chất lượng cao

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Lý giải nguyên nhân, bên cạnh các yếu tố như sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế… các chuyên gia cho hay, hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đang được thực thi hiệu quả. Đó là một “cửa sáng” cho việc thu hút đầu tư quốc tế.

Đáng chú ý, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư FDI vào nước ta thời gian tới được kỳ vọng phụ thuộc nhiều vào việc thực thi những cam kết của Mỹ trong nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Báo Nikkei gần đây nhận định rằng: “Việt Nam có thể đón đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ tư”.

Thêm vào đó, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ. Theo đạo luật này, Mỹ sẽ chi 500 triệu USD để cải tiến năng lực sản xuất chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu.

Vốn đầu tư "rót" mạnh vào Việt Nam trong khi dòng đầu tư toàn cầu được dự báo chậm lại
Nhiều khả năng 80% vốn FDI trong năm 2024 vào Việt Nam sẽ hướng vào sản xuất công nghiệp. Ảnh: TL
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2024, vốn đầu tư thực hiện có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2023. Nếu kịch bản này xảy ra, kỷ lục mới sẽ được thiết lập. Trong khi đó, với vốn giải ngân, con số được Cục Đầu tư nước ngoài dự ước khoảng 36 - 37 tỷ USD, tương đương năm 2023. Dù không có sự tăng tốc, song đây là một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm 2024.

Mặt khác, theo các chuyên gia, dòng vốn FDI không vào Trung Quốc, thì có thể sẽ chảy vào các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư mới, như bán dẫn, AI, công nghiệp công nghệ cao… Đây chính là lĩnh vực mà gần đây Việt Nam đang mong muốn thu hút đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang coi Việt Nam là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về câu chuyện này, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nhận định lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chắc chắn sẽ hấp dẫn nhất trong bối cảnh rất nhiều tập đoàn quốc tế đang muốn chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Do đó, nhiều khả năng 80% vốn FDI của Việt Nam trong năm 2024 sẽ hướng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ví dụ nhà xưởng hoặc các dự án hỗ trợ như nhà máy phát điện, hạ tầng kho vận…

Ông Michael Kokalari còn cho rằng, dòng vốn FDI cũng muốn hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ nội địa của Việt Nam khi tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Các tập đoàn Nhật Bản đang tiên phong trong lĩnh vực này, tiêu biểu như Aeon và các công ty hàng đầu khác. Khá nhiều tập đoàn bất động sản Nhật Bản đang tìm cơ hội hợp tác với các đơn vị trong nước, như VinaCapital, để rót vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.

Ngoài ra, các yếu tố tạo nên sức hút dòng vốn FDI cho Việt Nam được các chuyên gia kể đến như nguồn lao động chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang mở rộng cửa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. Có nghĩa là các tập đoàn xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ mà không vướng phải rào cản thương mại của chính phủ Mỹ…

Để chuẩn bị đón “mưa” đầu tư, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạng tầng giao thông, kho vận. Bên cạnh đó, nước ta cần nâng cao độ mở của môi trường kinh doanh và chất lượng nguồn lao động cung cấp cho thị trường trong tương lai…/.