Lợi nhuận tỷ USD

Trong tài liệu họp đại hội cổ đông mới công bố, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 13% lên hơn 24 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản tăng 39% lên gần 877.5 nghìn tỷ đồng; huy động tiền gửi tăng 41% và dư nợ tín dụng tăng 33% trong năm 2023. Nếu tính riêng các hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong đó loại bỏ thu nhập từ AIA, mức tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng tương đương 53% - một mục tiêu khá “hăng hái”, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang loay hoay trước các khó khăn và bất ổn, các ngân hàng khác có phần dè dặt hơn khi thiết lập các mục tiêu tài chính cho năm 2023.

VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 24.000 tỷ đồng năm 2023, tăng trưởng tín dụng lên tới 33%
Ảnh T.L

Không phải ngẫu nhiên mà ngân hàng này tự tin có thể hoàn thành các mục tiêu trong các quý sắp tới. Thừa thắng xông lên từ kết quả kinh doanh tích cực từ các năm trước, cùng nền tảng vốn được gia cố thêm từ thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) vừa qua, có lẽ VPBank đã được trang bị khá đầy đủ các yếu tố cần để tiếp tục tỏa sáng.

Toàn cảnh kết quả kinh doanh của VPBank trong năm 2022 cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 21.220 tỷ đồng, tăng 48% so với năm ngoái, lọt Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Dư nợ tín dụng tăng trưởng vượt trội, đạt 480.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021. Huy động khách hàng của ngân hàng mẹ tăng trưởng gần 30%, gấp 5 lần so với trung bình ngành.

Tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhật theo Basel II đạt gần 15%. Các chỉ số hiệu quả của ngân hàng mẹ, như chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 22,4%, tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường.

Trong khi đó, với khoản tiền từ thương vụ M&A kỷ lục, VPBank sẽ có lợi thế củng cố các chỉ số an toàn vốn lên mức dẫn đầu ngành, bổ sung nguồn lực đầu tư cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi và đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc chiến lược như bán lẻ, SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) và tiến tới là những khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia..., qua đó tối đa hóa nguồn thu và cải thiện biên lợi nhuận.

Vốn chủ sở hữu được coi là yếu tố quan trọng nhất để đo “thực lực” cũng như tiềm lực, dư địa tăng trưởng của mỗi ngân hàng. Với một ngân hàng thương mại, vốn chủ sở hữu là tấm đệm chống đỡ rủi ro, vốn chủ sở hữu càng cao thì sức chống chịu của ngân hàng càng lớn, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động môi trường kinh doanh gặp nhiều rủi ro. Vốn chủ sở hữu lớn sẽ giúp ngân hàng tạo được uy tín trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng, đa dạng hóa danh mục cho vay.

Sau thương vụ trên, CAR của VPBank cũng nhảy vọt lên trên 20%, vượt xa các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước. Đây chính là “tấm kim bài” giúp VPBank vượt qua mọi giới hạn tăng trưởng trong tương lai.

Tầm nhìn rộng mở

Cái bắt tay trị giá tỷ USD với SMBC còn hé lộ tầm nhìn dài hạn của VPBank. Tại buổi lễ ký kết vừa qua, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank, cũng không giấu mục tiêu đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam và nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.

Tầm nhìn này của VPBank cũng phù hợp với chiến lược tăng cường hiện diện tại thị trường châu Á của SMBC. Chính vì vậy, ông Jun Ohta - Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành tập đoàn SMBC cho biết, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ mọi mặt cho VPBank đạt được mục tiêu trên.

Vậy SMBC sẽ giúp VPBank vươn tầm trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam bằng cách nào?

Với quy mô tổng tài sản hơn 2.100 tỷ USD, xếp hạng tín nhiệm của S&P và Fitch Ratings đều ở mức A, Moody’s ở mức A1, SMBC là đối tác trong mơ và là đối thủ đáng gờm của bất kỳ tổ chức tài chính nào. Không chỉ có sức khỏe tài chính mạnh mẽ và khả năng quản trị rủi ro theo chuẩn cao nhất của thế giới, "ông lớn" SMBC còn có kinh nghiệm mở rộng thị trường tại nhiều nước trên thế giới (đã hiện diện tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ), hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực. Với lợi thế này, VPBank sẽ được hưởng lợi “kép” nhờ tệp khách hàng lớn, bên cạnh sự hỗ trợ hùng hậu về vốn, thanh khoản, quản trị…

Thực tế, VPBank cũng đang triển khai kế hoạch mới, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam.

Hiện Tập đoàn SMBC có tới 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới. Rất nhiều khách hàng của Tập đoàn SMBC và ngân hàng SMBC nói riêng có ý định tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là những khách hàng tiềm năng của VPBank trong tương lai.

Ngoài ra, sự có mặt của cổ đông chiến lược SMBC cũng giúp VPBank có thể tham gia rót vốn vào các dự án đầu tư lớn trong nước, đặc biệt ở những lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững. Đây là những lĩnh vực có nhiều dư địa tăng trưởng tại Việt Nam và cũng là các lĩnh vực mà SMBC có dày dạn kinh nghiệm tài trợ vốn.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm hoạt động của SMBC có thể giúp VPBank mở rộng hoạt động ở mảng ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản một cách lành mạnh, an toàn, hiệu quả. Việc mua Công ty chứng khoán ASC và Công ty bảo hiểm OPES năm 2022 đã trải đường cho VPBank tiến công vào lãnh địa này./.