Lãi suất liên ngân hàng giảm ở kỳ hạn ngắn

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong các kỳ hạn ngắn có xu hướng giảm trong tuần vừa qua. Cụ thể, so sánh lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng hôm 30/11 chỉ còn 5,32%, thấp hơn mức lãi suất 5,88% của kỳ hạn này hôm 28/11. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần hôm 30/11 cũng chỉ còn 5,83% so với mức 6,2% so với trước đó 2 ngày.

Xuất hiện tín hiệu tích cực cho tỷ giá, lãi suất tiền gửi vẫn khá nóng
Càng về cuối năm, các diễn biến tiền tệ càng được quan tâm nhiều hơn. Ảnh: T.L
Thị trường tiền tệ tuần 21-25/11: Có ngân hàng giảm lãi suất, tỷ giá tiếp tục đi xuống

Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức khá cao. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5% - 9%/năm. Mặt bằng lãi suất này còn chưa tính đến các mức khuyến mại dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn. Saigon Bank hiện là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất thị trường là 10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho tiền gửi trực tuyến.

Xuất hiện các yếu tố tích cực cho tỷ giá

Tuần qua tiếp tục ghi nhận giai đoạn tỷ giá liên tục giảm. Tỷ giá USD trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành ghi nhận sự giảm điểm đều đặn với biên độ khá nhẹ, trong khi đó, các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm với mức giảm nhanh và mạnh hơn.

Trong tuần qua, Tổng cục Thống kê cũng công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2022 với diễn biến tình hình xuất nhập khẩu và đầu tư nước nước ngoài đều có các thông tin có lợi cho tỷ giá.

Diễn biến xuất nhập khẩu có lợi cho tỷ giá

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Với diễn biến này, tháng 11 ước tính xuất siêu 0,78 tỷ USD.

Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (đây là mức xuất siêu lớn hơn khá nhiều so với mức 0,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Tình hình thặng dư thương mại lớn và vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng mạnh thể hiện nguồn cung USD khá dồi dào; qua đó, dự báo tỷ giá sẽ vẫn tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

Hoạt động thanh toán vào “tầm ngắm” của cơ quan giám sát

Mùa World Cup tuần qua bước vào lượt trận cuối cùng vòng bảng cũng là lượt trận có tính chất gay cấn hơn, báo hiệu rủi ro cá độ bóng đá cũng có thể gia tăng, trong đó có việc có thể hoạt động thanh toán bị lợi dụng cho cá độ.

Xuất hiện tín hiệu tích cực cho tỷ giá, lãi suất tiền gửi vẫn khá nóng
Việc sử dụng các dịch vụ thanh toán phục vụ cho cá độ bóng đá có thể gia tăng trong mùa World Cup. Ảnh: T.L

Trong bối cảnh này, NHNN đã phải nhắc nhở các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các tổ chức tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bất hợp pháp, đặc biệt là trong thời gian diễn ra giải bóng đá thế giới World Cup 2022.

Trong đó, NHNN yêu cầu các đơn vị chú trọng các biện pháp quản lý chặt chẽ việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử; rà soát các tiêu chí giám sát, các hạn mức giao dịch, cập nhật các dấu hiệu đáng ngờ…

Giá vàng: Nhiều phiên giảm, nhưng mức giảm không lớn

Giá vàng trong nước giảm liên tục trong một số ngày đầu tuần, chỉ tăng một phiên hôm thứ năm và sau đó lại quay đầu giảm cuối tuần.

Giá vàng hôm đầu tuần (28/11) được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,6 triệu đồng/lượng, bán ra 67,4 triệu đồng/lượng, giảm 200 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước. Ngày 29/11, giá vàng SJC tại Hà Nội tiếp tục giảm xuống mức còn 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,32 triệu đồng/lượng bán ra; tiếp đà giảm trong ngày 30/11 với mức giá chỉ còn 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng bán ra.

Diễn biến tài chính quốc tế có lợi cho giá vàng

Trong khi đó, diễn biến thị trường tài chính thế giới vẫn có xu hướng có lợi cho giá vàng khi các chuyên gia phân tích cho rằng kim loại quý vẫn đang được hưởng lợi từ việc USD bị bán tháo kéo dài khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ tốt lên. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11/2022 chỉ tăng 6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với 6,3% trong tháng trước.

Mặc dù vậy, giá vàng ghi nhận sự phục hồi vào sáng ngày 1/12, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Hà Nội là 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,42 triệu đồng/lượng bán ra. Ngày 2/12, giá vàng lại quay đầu giảm xuống chỉ còn 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,32 triệu đồng/lượng bán ra.

Quan sát chung trong cả tuần, số lượng những phiên giảm điểm của giá vàng nhiều hơn số ngày tăng giảm, nhưng so sánh giá vàng trong 1 tuần ghi nhận mức giảm khá nhẹ với giá mua vào vẫn xấp xỉ cuối tuần trước, còn giá bán ra chỉ thấp hơn khoảng 180 đồng/lượng.

Động thái vàng trong nước chưa thể hiện rõ xu hướng do giá vàng trong nước đang chịu tác động cùng lúc nhiều yếu tố khác nhau. Diễn biến đồng USD giảm có thể tạo hiệu ứng tích cực cho giá vàng có thể tăng, nhưng hiện tại, dòng tiền hiện vẫn khá kham hiếm do kênh tín dụng vẫn bị thắt chặt nên nhà đầu tư chưa mạnh tay rót tiền cho các tài sản có tính tích trữ như vàng, bất động sản.