Hoàn thiện mảnh ghép cuối hạ tầng khu vực phía Nam

Liên quan đến dự án tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, vào chiều ngày 19/3, hộ dân cuối cùng ở huyện Hàm Thuận Nam có hơn 58.005 m2 đất thuộc tuyến dự án đi qua (kéo dài 1,35 km) đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Ngày 20/3, hộ dân này đã bắt đầu tiến hành các công việc bàn giao và đơn vị thi công ngay lập tức tập trung nhân lực, vật lực để chạy đua với tiến độ.

Một đoạn tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành chưa hoàn thiện. Ảnh Việt Dũng
Một đoạn tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành chưa hoàn thiện. Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho hay, đơn vị thi công đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực thi công theo tinh thần mặt bằng giao đến đâu, thi công ngay đến đó. Dự kiến sau khi hộ dân này hoàn thành bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công sẽ huy động tối đa phương tiện, trang thiết bị để thi công tuyến đường, từ đó thông tuyến kịp tiến độ 30/4 theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Dự án đường Hàm Kiệm - Tiến Thành được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt ngày 19/6/2020 với chiều dài khoảng 7,7km. Tuyến đường này chính là điểm kết nối các đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Quốc lộ 1A đến các địa phương ven biển phía Nam của tỉnh như Tiến Thành, Kê Gà, La Gi...

Tính đến thời điểm hiện tại, tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành đã thi công xong 6,35 km trong tổng số chiều dài 7,7km của tuyến đường, đạt 82,5% tiến độ, trong đó TP Phan Thiết đã hoàn thành 2,19km, đạt 100%; huyện Hàm Thuận Nam đã hoàn thành 4,16 km, đạt 75,5%.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 515 - đơn vị thi công tuyến Hàm Kiệm - Tiến Thành, đơn vị đã bố trí triển khai tăng ca, tăng kíp để bảo đảm tiến độ tỉnh đã đề ra là 30/4/2024 thông xe toàn tuyến.

Dự án tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành được xem là mảnh ghép đặc biệt để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông phía Nam của tỉnh Bình Thuận, rút ngắn quãng đường và thời gian của du khách khi tìm đến các điểm du lịch ven biển Bình Thuận. Từ đó, tạo ra động lực mới để du lịch Bình Thuận tiếp tục bứt phá, tiếp nối thành công của Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

Tạo đà thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển

Có thể nói, điều kiện giao thông thuận lợi là yếu tố chính giúp lượng du khách đổ về Bình Thuận liên tục tăng. Trong năm 2023, Bình Thuận đã đón hơn 8.351.000 lượt khách, tăng 45,9% so với năm 2022; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 22.300 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với năm 2022. Hạ tầng giao thông phát triển còn thu hút các nhà đầu tư mạnh dạn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng như các lĩnh vực kinh tế khác tại tỉnh Bình Thuận.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy kinh tế, du lịch Bình Thuận phát triển. Ảnh: Việt Dũng
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy kinh tế, du lịch Bình Thuận phát triển. Ảnh: Việt Dũng

Tại km14 thuộc xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), nơi các phương tiện giao thông rời cao tốc để vào Phan Thiết. Hiện nay, các phương tiện đi theo lộ trình này phải chạy theo Quốc lộ 1A, đến xã Tiến Lợi rẽ vào đường Âu Cơ, Lạc Long Quân để tìm đến các điểm du lịch, giải trí nổi tiếng ở khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận như NovaWorld Phan Thiết. Với hành trình này, du khách phải di chuyển thêm khoảng 19km qua các tuyến đường hẹp, có khu dân cư, mật độ giao thông.

Như vậy, nếu đúng theo dự kiến thông xe tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành vào dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay, với điểm đầu của tuyến ngay tại nút giao cao tốc, các phương tiện chỉ cần đi thẳng vào làn đường Hàm Kiệm - Tiến Thành để rút ngắn khoảng cách hành trình du lịch đến các khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh xuống còn chưa đầy 8km.

Bên cạnh đó, với sự đầu tư bài bản, hướng đến mô hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí hiện đại, các điểm đến du lịch tại khu vực phía Nam của tỉnh đang kỳ vọng sự bùng nổ mạnh mẽ, nhất là khi bài toán về hạ tầng giao thông đã được giải quyết.

Việc mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, chính là lời giải cho bài toán tăng trưởng kinh tế, du lịch. Dự kiến vào ngày 29/4/2023, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ chính thức được thông xe, thời gian duy chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết rút ngắn xuống còn khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông của tỉnh đang ngày càng phát triển đồng bộ, đặc biệt là khi các trục đường ven biển, sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du lịch Bình Thuận đang đứng trước thời cơ rất lớn để “cất cánh”, trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách trong nước cũng như du khách quốc tế khi đến với Việt Nam.