Ngày 19/11/2021, tại hai điểm cầu Hà Nội (Việt Nam) và Menbearl (Úc), Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngân khố Úc Josh Frydenberg đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa hai bộ.

Tham dự lễ ký tại điểm cầu Hà Nội có cán bộ Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo một số vụ, cục của Bộ Tài chính Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giai đoạn 2021-2025 là sự kiện đặc biệt góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai bộ.

Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Úc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Việc ký kết biên bản này là sự kiện nổi bật, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và cụ thể hóa hoạt động hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Úc, là cơ sở và nền tảng để triển khai các quan hệ công tác và hỗ trợ kỹ thuật của Úc đối với Việt Nam.

Việc ký biên bản ghi nhớ này cũng sẽ giúp tăng cường đối thoại và hợp tác gữa hai bên về các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt là quản lý ngân sách, tài khóa, quản lý thị trường tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển về các vấn đề tài chính khác.

Đây là những lĩnh vực mà Úc có thế mạnh và mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu xây dựng và triển khai chính sách.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, việc ký biên bản ghi nhớ thể hiện sự nỗ lực của hai bên trong bối cảnh hiện nay và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi hai bên vừa công bố chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai bên ngày 1/11/2021. Bản chiến lược này làm vững bền thêm những cam kết chung giữa hai nước về tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối kinh tế.

"Chúng tôi đánh giá cao cam kết hỗ trợ thương mại và đầu tư của Úc đối với những nỗ lực cải cách và quản lý kinh tế của Việt Nam để cải thiện môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư, trong đó hợp tác tài chính giữa hai nước Việt Nam và Úc có vai trò hết sức quan trọng trong tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Úc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính
Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Úc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính. Ảnh: Đức Minh

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, biên bản ghi nhớ này sẽ tạo nền tảng vững chắc, tạo điều kiện để thu hút đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ và xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng phát triển. Thời gian tới, ngành Hải quan và ngành Thuế hai nước sẽ cùng trao đổi, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phục vụ cho mục đích phát triển chung của hai quốc gia.

Phát biểu tại điểm cầu bên Úc, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg bày tỏ, hôm nay là ngày khẳng định lại một lần nữa những nỗ lực của Úc trong việc giúp đỡ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng những chương trình hợp tác trong thời gian tới, để hai nước có thể phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19.

Bộ trưởng Josh Frydenberg khẳng định, “Úc sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Việt Nam, không chỉ bằng những nỗ lực hiện tại với những chương trình hợp tác đang có, mà bằng sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia”.

"Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính hôm nay được xây dựng dựa trên những tuyên bố chung của hai Thủ tướng về tăng cường hợp tác kinh tế trong khuôn khổ chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Úc, cũng như tuyên bố chung về những hành động thiết thực trong chống biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Josh Frydenberg thông tin.

Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể, như tổng kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước đã đạt trên 2 tỷ USD/năm, Việt Nam đứng thứ 13 trong những đối tác thương mại hàng đầu năm 2020. Úc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam vào năm 2019.

Bộ trưởng Frydenberg bày tỏ, mối quan hệ giữa hai bộ và việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hôm nay sẽ cung cấp những cơ hội để xây dựng mối quan hệ giữa hai bộ chặt chẽ hơn, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là những hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chính sách kinh tế và tài khóa giữa hai quốc gia, góp phần dự báo cũng như xem xét triển vọng, xu hướng hợp tác kinh tế giữa hai nước.