Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh

Sáng 8/10, Bộ Tài chính tổ chức giao ban đánh giá tình hình thực hiện tháng 9 và triển khai nhiệm vụ tháng 10, nhằm đề ra các giải pháp, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được giao.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, lĩnh vực tài chính như động mạch chủ của nền kinh tế. Do đó, trong khó khăn, toàn ngành Tài chính càng phải đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hơn nữa.

Thu nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Báo cáo tại cuộc giao ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu nội địa do ngành Thuế thực hiện 9 tháng đạt 907.312 tỷ đồng, đạt 81,2%, bằng 107,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số thu do ngành Thuế quản lý trong tháng 9 và quý III/2021, tình hình thu NSNN đáng lo ngại khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm. Số thu nội địa trong tháng 9 đạt 60.500 tỷ đồng, giảm khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng so với tháng 8/2021; nếu không tính một khoản thu phát sinh khoảng 3 nghìn tỷ đồng thì số giảm này lên tới khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Tính chung số thu của quý III/2021 bằng 64% quý I/2021 và bằng 71,9% quý II/2021. Trong đó, nhiều tỉnh có số thu thấp trong những tháng gần đây; nhiều tỉnh trọng điểm thu có số thu giảm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến cuối tháng 9, ngành Thuế đã gia hạn hơn 78 nghìn tỷ đồng; số thuế đến hạn phải nộp trong số này là hơn 36 nghìn tỷ đồng.

Do tình hình dịch bệnh, nên công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 9, toàn ngành mới thanh, kiểm tra đạt hơn 51% kế hoạch, kiến nghị thu vào NSNN khoảng 31 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành Thuế cũng đã đẩy mạnh kiểm tra công tác hoàn thuế, 9 tháng đã thực hiện hơn 3 nghìn cuộc kiểm tra, thu hồi phạt 690 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Thu hồi nợ thuế 9 tháng đã đạt 73% kế hoạch, đạt 22 nghìn tỷ đồng.

Về triển khai nhiệm vụ trong tháng 10 và quý IV/2021, theo ông Cao Anh Tuấn, nhiệm vụ thu NSNN vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Dự toán thu NSNN ngành Thuế quản lý trong năm 2021 là 1.167.400 tỷ đồng, như vậy, quý IV/2021 phải thu 260.400 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 86.800 tỷ đồng/tháng. Đây là con số rất thách thức, bởi vì trong 2 tháng gần đây chỉ thu dưới 70 nghìn tỷ đồng.

Do đó, ngành Thuế từ nay đến cuối năm phải đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu NSNN, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cũng như động viên các doanh nghiệp nộp thuế đủ số tiền gia hạn thuế khi đến hạn, nhất là các doanh nghiệp khó khăn.

Báo cáo tại điểm cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, số thu thuế xuất nhập khẩu tính đến hết tháng 9 đạt 88,3% dự toán. Tính đến ngày 7/10 thu ngân sách do ngành Hải quan quản lý đạt 293.500 tỷ, đạt 93% dự toán.

Qua theo dõi, số thu những tháng gần đây liên tục giảm so với các tháng trước đó. Ví dụ như thu thuế xuất nhập khẩu tháng 9 thấp hơn tháng 7 là 11 nghìn tỷ đồng, tháng 9 thấp hơn tháng 8 là hơn 3 nghìn tỷ đồng. Do đó, những tháng cuối năm, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu nhằm tăng thu về ngân sách, như tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại; đồng thời triển khai các giải pháp thu NSNN trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách; thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán NSNN được giao.

Đáng chú ý, cơ quan hải quan thời gian qua đã tập trung vào chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các hàng cấm, buôn bán ma túy ở các tuyến đường bộ, sân bay, chuyển phát nhanh, đường biển, chống buôn lậu qua thương mại điện tử... Ngành Hải quan thời gian qua đã đẩy mạnh sự chủ động, phối hợp tốt với hải quan các nước

Nỗ lực tham mưu các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong tháng 9, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực rất lớn, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, công tác xây dựng cơ chế chính sách, đã hoàn thành nhiều đề án, nghị định, thông tư trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính giao ban dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: Đức Minh
Bộ Tài chính giao ban dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: Đức Minh

Theo Bộ trưởng, trong quý III/2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 14 nghị định, ban hành 26 thông tư, trong đó có 14 thông tư thuộc chương trình và 12 thông tư phát sinh ngoài chương trình. Hiện còn 3 nghị định và 7 thông tư chuẩn bị được ban hành.

Thời gian qua theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt các nhiệm vụ về tài chính - NSNN, từ công tác phòng chống dịch, phát hành trái phiếu chính phủ; tham mưu các chính sách về giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; đảm bảo kinh phí mua vắc-xin và phòng, chống dịch... Thu NSNN 9 tháng năm 2021 đã đạt 80,75% dự toán.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng cho biết, trong 9 tháng qua, đã thực hiện phát hành được 233,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân hơn 13 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục phấn đấu đảm bảo phát hành trái phiếu chính phủ theo đúng kế hoạch đề ra với lãi suất huy động thấp trong thời gian dài.

Bộ trưởng đề nghị, từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, nên toàn ngành cần tập trung nỗ lực hơn nữa để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp tài khóa linh hoạt, hiệu quả và chặt chẽ nhất.

Về triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị chủ động, sáng tạo hơn nữa, bám sát các nhiệm vụ được giao và thực hiện với “tinh thần tiến công, quyết liệt hơn”. Trong đó, cần chủ động hơn nữa đề xuất, tham mưu lãnh đạo bộ các giải pháp về điều hành chính sách tài khóa trong trước mắt cũng như lâu dài.

Bên cạnh việc khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, từ nay đến cuối năm, cần đẩy mạnh triển khai các gói hỗ trợ tài khóa cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là nhiệm vụ mang tính mũi nhọn, thúc đẩy phát triển.

Gợi ý cụ thể hơn các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính, không để chậm muộn. Về chính sách tài khóa, tập trung quản lý thu ngân sách, tránh thất thu; đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo kịp thời kinh phí chống dịch; triển khai khai kịp thời các gói kích thích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…/.