Bitcoin

Tuy nhiên, với tiềm năng ngày càng được công nhận của Bitcoin cùng công nghệ blockchain, các NHTW không thể “làm ngơ” mãi với đồng tiền này.

FED tiếp tục đứng ngoài thị trường tiền ảo

Tính đến năm 2016, hầu hết các NHTW đều né tránh Bitcoin cũng như các loại tiền thuật toán khác. Ngay cả khi Bitcoin ở trên đỉnh cơn sốt cuối năm 2017, vị Chủ tịch vừa mãn nhiệm của FED Janet Yellen một lần nữa khẳng định quan điểm của FED về tiền ảo: "Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong hệ thống thanh toán. Bitcoin không phải là một nguồn giá trị ổn định và cũng không cấu thành một phương tiện thanh toán hợp pháp. Bitcoin là một tài sản có mức độ đầu cơ cao".

Trả lời kênh truyền hình Thông tin quốc tế và thị trường tài chính Mỹ (CNBC), người từng đứng đầu NHTW quyền lực nhất thế giới cũng nói một số NHTW trên toàn cầu hiện đang xem xét thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ, nhưng đó sẽ không phải là điều mà FED sẽ theo đuổi trong tương lai gần. Theo bà Janet Yellen, lợi ích và nhu cầu của việc phát hành một đồng tiền ảo của FED là hạn chế, trong khi những lo ngại là lớn.

Khi giá Bitcoin biến động kinh hoàng thời gian gần đây, nhiều quan chức NHTW trên thế giới cũng đã lên tiếng. Thống đốc NHTW Australia và Thống đốc NHTW New Zealand đều đã gọi Bitcoin là "cơn sốt đầu cơ" và bong bóng nguy hiểm. Trung Quốc, Hàn Quốc liên tục có các quy định chặt chẽ để chống lại việc hợp thức hóa tiền ảo.

Tuy nhiên, bỏ mặc những nỗ lực của FED và nhiều NHTW trong việc cố gắng đánh giá thấp tầm quan trọng và tiềm năng của Bitcoin, thị trường tiền mã hóa (cryptocurrency) vẫn duy trì những dự đoán tích cực về Bitcoin.

Những người hâm mộ tiền tệ mã hóa cho rằng FED sẽ đến “ngày tàn”, khi đồng tiền Bitcoin chắc chắn sẽ thay thế đồng USD trở thành đồng tiền tệ dự trữ toàn cầu và khai tử Phố Wall.

Theo Ths. Vũ Mạnh Linh, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, một số quốc gia châu Âu đang tiến tới một xã hội không tiền mặt bằng cách áp dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Thống đốc NHTW Anh Mark Carney coi tiền điện tử là một phần của cuộc cách mạng tài chính đầy tiềm năng, trong khi thanh toán sử dụng tiền mặt đang giảm dần. Thậm chí, để hiểu rõ hơn về tiền thuật toán, NHTW Hà Lan còn tự tạo ra một đồng tiền điện tử riêng và lưu hành nội bộ. Chính phủ Thụy Điển đang xem xét phát hành tiền điện tử. Mặc dù NHTW của một số quốc gia đã công bố việc thử nghiệm tiền ảo, nhưng chưa có một NHTW nào chính thức ra mắt một loại tiền ảo, cho dù dưới dạng bán lẻ hay bán buôn. Lý do là với hàng trăm tỷ USD đang được cất giấu dưới dạng tiền kỹ thuật số các ngân hàng còn đang tranh cãi cách thức xử lý và giải pháp thích hợp cho tiền ảo.

Chưa thể đánh giá đầy đủ rủi ro của tiền mã hóa

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã công bố những báo cáo với những nội dung cảnh báo bong bóng Bitcoin có thể vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định các NHTW không thể làm ngơ với tiền mã hóa và công nghệ blockchain và không loại trừ khả năng NHTW sẽ phát hành tiền kỹ thuật số vì những ưu việt của loại tiền này.

Các NHTW đã từng sử dụng tiền điện tử, nhưng với tỷ trọng rất nhỏ và được bảo lãnh bằng vàng. Có một điều chắc chắn là, các NHTW sẽ cực kỳ thận trọng khi bước vào thế giới tiền ảo, trong bối cảnh các loại tiền ảo nổi bật nhất hiện nay như Bitcoin và Ethereum đều có độ biến động giá cả rất cao và thường xuyên là đích ngắm của tin tặc.

Liên quan đến vấn đề này, các NHTW cần xem xét những quy định không chỉ về tính bảo mật, hiệu quả của hệ thống thanh toán mà còn về những ảnh hưởng của tiền điện tử lên nền kinh tế và chính sách tiền tệ, xác định rõ sự khác biệt giữa tiền ảo do NHTW phát hành với tiền điện tử.

Theo BIS, phương án khả thi dành cho các NHTW có thể là phát hành đồng tiền điện tử ra công chúng và do ngân hàng quản lý cũng như thực hiện việc chuyển đổi ra tiền mặt và ngược lại. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn hơn đối với hoạt động điều hành của NHTW và các tổ chức cho vay thương mại có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tiền gửi.

Thực tế, còn quá sớm để khẳng định việc các NHTW phát hành tiền mã hóa và chấp nhận Bitcoin, nhất là trong bối cảnh rất khó để đánh giá đầy đủ những rủi ro liên quan đến tiền mã hóa và công nghệ hỗ trợ tiền mã hóa vẫn chưa được sáng tỏ.

Tuy nhiên, theo phân tích của ThS. Vũ Mạnh Linh, nếu cuối cùng tất cả các NHTW quyết định phát hành tiền điện tử dưới hình thức bán buôn hay bán lẻ, thì tiền điện tử cũng chỉ có ý nghĩa trong ngữ cảnh riêng. Khi đưa ra quyết định đó, các NHTW sẽ phải cân nhắc những ưu tiên (sở thích) của khách hàng cá nhân và hiệu quả có thể đạt được, theo nghĩa thanh toán, thanh toán và bù trừ, cũng như những rủi ro đối với hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là những ám chỉ đối với chính sách tiền tệ.

Đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ra thông báo không cho phép sử dụng Bitcoin hay các loại tiền điện tử như một phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên, khi tiền thuật toán được nhận định là một hiện tượng công nghệ, tài chính và hàng hóa mà cần hướng tới, trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0, NHNN cũng cần có những nhìn nhận khách quan về đồng tiền này, có cơ chế kiểm soát ngay cả với thị trường thứ cấp của đồng tiền này, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, tránh thất thoát một lượng tiền lớn.

Hồ Thị Hiền