Mặt thuận và mặt khó của Nghị quyết 42

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành từ năm 2017, có hiệu lực trong 5 năm, theo đó, Nghị quyết sẽ hết hiệu lực từ năm 2022.

Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/8/2021 là 424,1 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực) đến 31/8/2021.Từ khi có Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã có phần thuận lợi hơn do thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến. Nhiều khách hàng trước đây chây ỳ, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các tổ chức tín dụng, bàn giao tài sản để các tổ chức tín dụng xử lý phát mại và thu hồi nợ.

Cần giải pháp cấp bách xử lý nợ xấu gia tăng
Ảnh: TL minh họa

Theo phản ánh của các ngân hàng qua quá trình triển khai thực tế, kết quả đạt được từ thực thi Nghị quyết 42 tuy đã phát huy những mặt tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn.

Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng Ban pháp chế thuộc Ngân hàng BIDV cho biết, mặc dù Nghị quyết 42 cũng có đề cập những tình huống tranh chấp mà tòa án có thể xử lý theo thủ tục rút gọn, nhưng thực tế tại BIDV chưa ghi nhận vụ việc nào được tòa án giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn.

Giải thích thêm về tính hình thức của quy định thủ tục rút gọn, đại diện một ngân hàng thương mại khác cho biết, khó khăn thường xảy ra khi bên vay không hợp tác và khi đó dễ phát sinh nhiều tình tiết mới dẫn đến không thể đáp ứng thủ tục rút gọn.

Ngoài ra, nhiều khó khăn vướng mắc khác cũng nổi lên khi thực hiện Nghị quyết 42 được các ngân hàng phản ánh như việc thu giữ tài sản đảm bảo, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, mua bán khoản nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự... Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 cũng là yếu tố làm cho quá trình xử lý nợ xấu trở nên khó khăn hơn.

Nghị quyết 42 vẫn là trụ cột về pháp lý

Mặc dù có những vướng mắc khi thực hiện, nhưng giới ngân hàng vẫn cho rằng, Nghị quyết 42 vẫn nên được coi là trụ cột căn bản và quan trọng để xây dựng khung pháp lý về xử lý nợ xấu trong giai đoạn tới.

Theo đánh giá của bà Vũ Ngọc Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Ngân hàng Nhà nước, do thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 không còn nhiều (đến 15/8/2022), Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để xin ý kiến các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng, các đơn vị liên quan.... Đến nay, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đã có ý kiến góp ý đối với hồ sơ xây dựng Luật của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay, quan điểm của nhiều chuyên gia pháp luật ủng hộ việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Định hướng dự thảo Luật cũng được lập theo hướng tiếp tục kế thừa các nội dung còn phù hợp về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42. Đồng thời, sửa đổi bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 chỉ còn chưa đầy 1 năm, nên việc hoàn thiện dự thảo luật mới đang đối mặt với yêu cầu khá gấp rút. Do đó, để kịp thời gian ban hành luật mới trước thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất phương án trình Quốc hội cho phép thực hiện xây dựng luật theo trình tự thủ tục rút gọn.

Hiện nay, Quốc hội chưa có ý kiến chính thức việc cho phép xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo trình tự rút gọn hay không. Do đó, phương án 2 được Ngân hàng Nhà nước đề xuất là đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 với thời hạn 3 năm. Trong thời gian đó, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng để đảm bảo tính ổn định của quy định pháp luật.

Khắc phục tình trạng chồng chéo trong các văn bản luật xử lý nợ xấu

Bà Nguyễn Minh Hằng, Trường Bộ môn Luật tài chính Đại học Luật Hà Nội cho biết, Đại học Luật Hà Nội đã tham gia góp ý cho dự thảo Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đồng tình quan điểm luật hóa những nội dung còn phù hợp tại Nghị quyết 42. Tuy nhiên, việc xây dựng luật thời gian tới cũng cần quan tâm việc nhất thể hóa các văn bản luật xử lý nợ xấu hiện nay, giải quyết được các vấn đề còn chồng chéo nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác.