Gold

Có những rủi ro cơ bản về chênh lệch tỷ giá khi nhập khẩu lượng vàng lớn bán ra thị trường. Ảnh minh họa: Forex-holder

Kể từ sau thời điểm các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng đến nay (7/8), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra hơn 15 tấn vàng, lớn hơn nhiều so với con số 9 tấn vàng dư nợ cho vay chưa đến hạn tính đến ngày 30/6 tại các ngân hàng.

Vì sao?

Hãy bắt đầu từ những lý do đầu tiên của việc đấu thầu vàng. Là đơn vị độc quyền nhập khẩu vàng, NHNN đương nhiên phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Trước đây, thời điểm lãi suất cho vay tiền VND tăng cao, có thời điểm lên đến trên 20%, trong khi lãi suất huy động bằng vàng chỉ 2 – 3%, các ngân hàng đã bán khống một lượng vàng rất lớn để cho vay VNĐ.

Giờ đây, họ buộc phải mua vàng để tất toán trạng thái cho vay và huy động theo yêu cầu của NHNN. Nếu NHNN không đứng ra đáp ứng nhu cầu này, một sự đổ vỡ do mất khả năng thanh toán về vàng của các ngân hàng là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu đúng như số liệu đã được công bố, các ngân hàng đã có thừa vàng để bù đắp trạng thái, nhiệm vụ của NHNN đã xong thì hoạt động đấu thầu vàng đã có thể chấm dứt, trả lại giá vàng trong nước về cho thị trường định đoạt.

Lợi và hại

Trên thực tế, có thể nhìn thấy những “lợi ích” từ việc đấu thầu vàng. Theo NHNN, việc tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá vàng cao và việc can thiệp bằng hình thức đấu giá giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng ổn định, làm mất động lực đầu cơ, góp phần kiềm chế “vàng hóa” nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc NHNN độc quyền nhập khẩu và cung ứng cho phép tạo ra một “nguồn thu” đáng kể. Thử làm phép tính đơn giản trên số hơn 50 tấn vàng đã bán ra tương đương khoảng 50 ngàn tỷ đồng, phần chênh lệch giá 12% sẽ mang về cho ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng.

Có thể đó cũng là một cách hợp lý để tạo nguồn thu trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, những mặt trái của việc đấu thầu vàng cũng không ít.

NHNN có nhiệm vụ là quản lý thị trường vàng chứ không phải "nhà buôn vàng" để tạo nguồn thu. Trong thời gian vừa qua, một lượng lớn dự trữ ngoại hối đã được rút ra để cung ứng vàng cho thị trường, (theo tính toán sơ bộ, để nhập khẩu 52 tấn vàng đã bán, NHNN phải chi ra khoảng 2,2 – 2,4 tỷ USD, tương đương 10% dự trữ ngoại hối). Cùng với đó, NHNN phải đối diện với những rủi ro cơ bản như chênh lệch giá vàng thời điểm nhập và thời điểm đấu thầu, chênh lệch tỷ giá khi bán vàng thu tiền đồng và sau đó phải quy đổi ra đô la Mỹ.

Một lý do của việc NHNN đứng ra cung ứng vàng là do lo sợ nạn nhập lậu vàng gây bất ổn tỷ giá. Tuy nhiên với mức chênh lệch giá cao như hiện nay, một kg vàng nhập lậu có thể thu lãi hơn 100 triệu đồng và vì thế khó tin rằng vàng nhập lậu giảm đi.

Trên thị trường, ngoài các ngân hàng thì các doanh nghiệp cũng tham gia mua vàng của NHNN. Tuy nhiên, các quy định với doanh nghiệp kinh doanh vàng không chặt chẽ như với các tổ chức tín dụng, vì thế khó biết doanh nghiệp thực mua bao nhiêu, nguồn tiền ra sao.

Nếu không ngăn chặn được việc các "tay chơi lớn" thao túng giá, một rủi ro nữa là tỷ giá cũng sẽ chịu áp lực, khi NHNN phải tiếp tục chạy đua đáp ứng nhu cầu nhập khẩu vàng.

Đấu thầu giấy phép NK thay vì đấu thầu vàng?

Theo ý kiến của một chuyên gia từ nước ngoài, một giải pháp tạm thời cho việc nhập khẩu vàng là NHNN nên cho đấu thầu giấy phép nhập khẩu.

Tất nhiên, NHNN vẫn là đơn vị trực tiếp nhận uỷ thác nhập khẩu và dập miếng. Chẳng hạn, mức chênh lệch giá hiện tại là 4 triệu đồng, số đó sẽ là tham chiếu cho mức giá đấu thầu giấy phép nhập khẩu cho 1 lượng vàng quy đổi.

Khi đó, NHNN đã chuyển giao toàn bộ rủi ro cho bên mua, cả về giá vàng và nguồn ngoại tệ. NHNN vẫn thu được một nguồn “chênh lệch hợp lý”, còn các đơn vị tham gia đấu thầu giấy phép sẽ phải thận trọng và minh bạch hơn.

Ngoài ra, việc NHNN cho đấu thầu “giấy phép” sẽ dễ dàng và thuận tiện cho họ hơn nhiều so với đấu thầu vàng miếng. Điều đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tình trạng đầu cơ./.

Hoàng Yến