Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 12% kế hoạch

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (Sở KH-ĐT) Nguyễn Trung Anh cho biết, tổng số vốn đầu tư công năm 2023 sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh, giao bổ sung là 68.491 tỷ đồng, gồm 14.997 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 53.494 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Ngã ba Cát Lái (TP. Thủ Đức), cửa ngõ khu Đông TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn
Giải ngân đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh sau 4 tháng đầu năm 2023 chưa đạt như mong nuốn. Ảnh Đỗ Doãn

Tính đến hết ngày 12/5/2023, TP. Hồ Chí Minh giải ngân được 8.236 tỷ đồng, đạt 20% tổng số vốn thành phố đã giao đợt 1 và đợt 2 (41.526 tỷ đồng), nhưng nếu tính trên tổng mức vốn Thủ tướng Chính phủ giao (70.518 tỷ đồng) thì đạt tỷ lệ 12%. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân được 6.002 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,2%; vốn ngân sách địa phương giải ngân được 2.233 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4%.

Sở KH-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã tập trung phối hợp cùng các sở ngành có liên quan, các chủ đầu tư tổ chức triển khai rà soát kế hoạch giải ngân đầu tư công của các dự án. Các giải pháp này nhằm đảm bảo việc thực hiện lập kế hoạch và giám sát việc thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã đề ra, kịp thời đôn đốc tiến độ và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện.

Theo ông Trung, chính quyền thành phố cần chỉ đạo các sở ngành tập trung rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư dự án để đảm bảo tiến độ thực hiện. Các đơn vị chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm đẩy nhanh, thực hiện đúng tiến độ đối với các nội dung công việc thuộc nhiệm vụ của mình, bao gồm các nhiệm vụ chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục trình sở ngành, các thủ tục trong các bước thuộc thẩm quyền.

‘‘UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công trên địa bàn, đảm bảo việc bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư đúng theo kế hoạch. Trường hợp có khó khăn vướng mắc thì báo cáo Sở KH-ĐT, Sở Tài nguyên và Môi trường (tổ trưởng các tổ công tác) để kịp thời giải quyết hoặc báo cáo UBND thành phố chỉ đạo xử lý’’ - ông Trung đề xuất.

Chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn
Chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đỗ Doãn

Sẽ xử lý dự án có vốn trên 100 tỷ đồng chậm giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã đề nghị các đơn vị cần tiếp tục rà soát và thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố. Cụ thể, Sở KH-ĐT thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, gửi kết quả cho Thường trực ủy ban, có các tổ trưởng tổ công tác, giám đốc sở có liên quan biết để theo dõi, đôn đốc, có chỉ đạo quyết liệt;

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục tập trung trao đổi giám sát tiến độ các dự án, duy trì và thúc đẩy tiến độ, hàng tháng các chủ đầu tư báo cáo, nếu phát sinh vấn đề thì kiến nghị. Về kế hoạch giải ngân năm 2023, các thủ tục giao vốn phải làm gấp rút. Trong đó, liên quan đến vốn ODA, vốn dôi dư cần điều chỉnh, phải giải quyết trong tháng 5/2023, còn nếu đã cân đối mà chưa giải ngân được, thì phải tính toán, để làm những việc cần trình cho Hội đồng nhân dân thành phố vào tháng 6/2023.

‘‘Về sự phối hợp giữa các sở, ngành trong thực hiện thủ tục, theo ông Mãi, cần rút gọn thủ tục đầu tư, quy trình rút gọn theo quy định pháp luật, trên tinh thần đẩy nhanh tiến độ. Đối với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phải xác định trách nhiệm, yêu cầu thực hiện nghiêm. Các dự án chưa giao thủ tục đầu tư, khẩn trương hoàn thiện thẩm định hồ sơ để chuẩn bị báo cáo HĐND thành phố. Đối với dự án trên 100 tỷ đồng, dự án nào chưa giải ngân, cần rà soát lại để theo dõi, nếu chậm trễ có nguy cơ không đạt kế hoạch tiến độ phải có biện pháp xử lý…’’ - ông Mãi nói.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở KH-ĐT tiếp tục theo dõi các vướng mắc, khả năng thu chi cho năm 2024-2025 có đề xuất cụ thể để chuẩn bị; Sở Giao thông vận tải theo dõi dự án Vành đai 3, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tiến độ dự án Vành đai 4… Còn Sở Tài chính rà soát nguồn vốn ODA, thủ tục nguồn vốn, nguồn thu… tất cả nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng kế hoạch.