Doanh nghiệp dịch vụ kế toán giảm về quy mô nhưng doanh thu vẫn tăng
Chất lượng dịch vụ của các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán ngày càng được khẳng định trên thị trường. Ảnh: TL

Doanh thu các loại dịch vụ đều tăng

Mới đây, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 - 2023 và phương hướng năm 2024 của hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, bà Phạm Thị Loan - Trưởng phòng Kế toán doanh nghiệp, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), cho biết tình hình hoạt động của thị trường dịch vụ kế toán năm 2022 - 2023. Tính đến 31/12/2022, có 155 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, trong đó có 5 chi nhánh doanh nghiệp kế toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được cấp giấy phép.

Giám sát tuân thủ quy định pháp luật trong hành nghề, kinh doanh dịch vụ kế toán

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các công việc về đăng ký, cấp và quản lý giấy chứng nhận đăng ký hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát hoạt động dịch vụ kế toán, như: giải quyết các phản ánh của công dân, doanh nghiệp đối với các đối tượng quảng cáo sai sự thật về khả năng, điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán của tổ chức, đơn vị; tăng cường biện pháp giám sát tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động hành nghề, kinh doanh dịch vụ kế toán; xử lý đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán…

Đến 31/12/2023 đã có 159 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Địa chỉ trụ sở chính của các đơn vị được phân bố tương đối rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, riêng Hà Nội có 51 đơn vị, TP. Hồ Chí Minh có 87 đơn vị,…

Trên cơ sở số liệu của 155 đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đã nộp báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 cho thấy, trong năm 2022 có 3.392 nhân viên, trong đó số lượng kế toán viên hành nghề được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán là 378 người, tăng 0,8% so với năm 2021 (375 người). Chỉ có 9 đơn vị có từ 5 -10 kế toán viên hành nghề, còn lại 146 đơn vị chỉ có từ 2 - 4 kế toán viên hành nghề.

Về cơ bản, quy mô của các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán còn nhỏ, trong đó 4/155 đơn vị có 100 nhân viên, 21 đơn vị có từ 30 đến 99 nhân viên, 62 đơn vị có từ 10 đến 29 nhân viên, 21 đơn vị có dưới 10 nhân viên.

Ngoài 5 chi nhánh doanh nghiệp kế toán nước ngoài tại Việt Nam không yêu cầu về vốn điều lệ, còn hầu hết các doanh nghiệp điều hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn. Do đó, hiện mới có 3 doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên, 82 doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng có quy mô về vốn, 65 doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của bà Loan, quy mô doanh nghiệp năm 2022 giảm so với năm 2021 một phần do tác động chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau thời gian 3 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, có khá nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần, lĩnh vực đã phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Theo đó, một số doanh nghiệp kinh doanh vụ kế toán phản ánh phát sinh nhiều khó khăn trong việc duy trì khách hàng, duy trì hoạt động đến một số doanh nghiệp đã ngừng kinh doanh dịch vụ kế toán.

Bà Loan cho biết, mặt dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, nhưng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán trong năm 2022 vẫn tăng đáng kể so với năm 2021 (tăng 16,2%), trong đó cả doanh thu dịch vụ kế toán và doanh thu dịch vụ khác của doanh nghiệp đều ghi nhận tăng so với năm 2021.

Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, thể hiện uy tín và chất lượng dịch vụ của các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán ngày càng được khẳng định trong thị trường và được khách hàng ghi nhận, sử dụng dịch vụ. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, như khó khăn trong việc tìm kiếm mở rộng khách hàng mới, tăng doanh thu.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chế độ kế toán doanh nghiệp

Đề cập tới việc hoàn thiện văn bản pháp luật về kế toán, theo ông Lưu Đức Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Kế toán đã ban hành năm từ năm 2013, Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng kết, đánh giá quá trình thi hành luật. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện triển khai rà soát, nghiên cứu và soạn thảo các văn bản sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chế độ kế toán doanh nghiệp, chế độ kế toán hợp tác xã và các nội dung phát sinh.

Đơn cử như, Bộ Tài chính đang xây dựng các thông tư hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp, thông tư hướng dẫn chế độ kế toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thông tư hướng dẫn về cổ phần hóa, thông tư hướng dẫn về chế độ kế toán phái sinh…

Doanh nghiệp dịch vụ kế toán giảm về quy mô nhưng doanh thu vẫn tăng

Tuy nhiên, để các chính sách pháp luật sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính cũng mong muốn các hội nghề nghiệp về kế toán, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tích cực tham gia, phối hợp, tham gia ý kiến với Bộ Tài chính trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kế toán.

Liên quan tới đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ để doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoạt động thuận lợi hơn, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán nhấn mạnh, Bộ Tài chính thường xuyên có chương trình tập huấn, phổ biến miễn phí đến các đối tượng liên quan trực tiếp. Ngoài ra để thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng tổ chức tập huấn, phổ biến, họp, hội thảo theo hình thức trực tuyến.

Đồng bộ một số giải pháp nâng tầm phát triển lĩnh vực kế toán

Theo ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân do sự cạnh tranh không lành mạnh từ phía các cá nhân, tổ chức không đăng ký hoặc không bắt buộc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kế toán (như: doanh nghiệp kiểm toán, đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ).

Ngoài ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nửa đầu năm 2022 nên rất nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất, đóng cửa kinh doanh, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tiếp cận được thị trường Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì khách hàng cũ (do phải tăng các thủ tục, các dịch vụ hỗ trợ mà không tăng được giá phí, khó khăn trong thu hồi công nợ,…).

Thị trường dịch vụ kế toán đang trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong thương mại của từng quốc gia và toàn cầu. Trong thời gian tới, để nâng tầm phát triển của lĩnh vực kế toán cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, như: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về kế toán; phát triển số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán một cách hợp lý; nâng cao chất lượng kế toán viên thông qua việc đẩy mạnh tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển thị trường dịch vụ kế toán.