Vì sao tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai chưa như kỳ vọng?

Sau 9 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2030, việc phát triển đô thị trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 43%.

Một góc trung tâm TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Việt Dũng
Một góc trung tâm TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Việt Dũng

Tuy nhiên, nếu so sánh với các địa phương trong khu ''tứ giác kinh tế'' của vùng Đông Nam Bộ là TP. Hồ Chí Minh (tỷ lệ đô thị hóa 80%), Bình Dương (85%) và Bà Rịa - Vũng Tàu (62%) thì tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai đang ở mức thấp nhất. Không chỉ khiêm tốn về tỷ lệ đô thị hóa, chất lượng các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng bị đánh giá ''hụt hơi'' so với các đô thị khác trên cả nước.

Trong khi đó, Đồng Nai là địa phương phát triển công nghiệp rất sớm so với cả nước. Tỉnh cũng luôn ở trong top đầu của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu hàng hóa, thu ngân sách nhà nước… Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên một triệu lao động, hơn một nửa lao động đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng Nai cũng là địa phương có đông dân nhưng nghịch lý là tỷ lệ đô thị hóa lại thấp, không được như kỳ vọng.

Trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ hình thành 19 đô thị và tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%. Các đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc. Đồng thời, tỉnh cũng phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý, đầu tư, thực thi quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, nên cần phải khắc phục.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải sớm điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị Đồng Nai đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, giáo dục, y tế, công trình công cộng... Điều này cần tỉnh đưa ra các giải pháp để huy động nguồn lực triển khai nhanh các dự án nêu trên.

Cần nhanh chóng thực hiện hóa các quy hoạch

Tại Hội nghị giao ban kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 vừa được UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, Đồng Nai cần phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn. Bởi việc quy hoạch phát triển đô thị đã có nhưng Đồng Nai lại chậm hiện thực hóa các quy hoạch này.

Đồng Nai sẽ đẩy mạnh các dự án giao thông để tăng tỷ lệ đô thị hóa. Ảnh: Việt Dũng
Đẩy mạnh các dự án giao thông góp phần gia tăng tỷ lệ đô thị hóa tại Đồng Nai. Ảnh: Việt Dũng

Theo ông Lĩnh, muốn đô thị hóa nhanh thì phải mở đường, phát triển khu dân cư mới, phải có hạ tầng đô thị đi theo thì tốc độ đô thị hóa mới nhanh được. Do vậy, từng thành phố, từng huyện phải tính lại tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Đồng thời, trong chiến lược phát triển của tỉnh cũng phải rất lưu ý đến vấn đề đô thị hóa.

Để tăng tốc đô thị hóa, ông Huỳnh Tấn Lộc cho hay, Sở Xây dựng Đồng Nai đã có tờ trình trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, sẽ thực hiện đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phương án điều chỉnh xác định các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị của tỉnh; xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Việc lập hồ sơ điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị sẽ tạo cơ sở cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, tổ chức sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đã tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai

Theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia phần ngân sách địa phương được hưởng của tỉnh Đồng Nai là 50%, tăng 5% so với dự toán năm 2022 và được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025. Với việc điều tiết tỷ lệ ngân sách tỉnh lên 50%, chi ngân sách Đồng Nai sẽ tăng khá, tạo điều kiện để địa phương có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.