Giá cả hàng hóa thiết yếu ổn định

Trong kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu. Mức tăng các mặt hàng xăng dầu kỳ này là không lớn. Trên cơ sở điều hành của liên Bộ, xăng E5 tăng 60 đồng/lít, giá bán là 22.080 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 87 đồng/lít, giá bán là 23.125 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 128 đồng/lít, giá bán là 19.430 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên, cho thấy giá xăng dầu tăng giảm đan xen, cũng là một yếu tố cần tính toán đến trong quá trình điều hành lạm phát, tuy áp lực không quá lớn.

Giá lương thực thực phẩm trong tháng cuối cùng của quý I/2023 cũng không gây áp lực lên mặt bằng giá khi giá rau xanh, hoa quả vào mùa, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, thậm chí giảm nhẹ.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Giá thịt lợn trên cả nước đang đà giảm, do thị trường tiêu thụ đang giảm mạnh. Theo báo cáo của Sở Công thương Đồng Nai, giá lợn hơi trên địa bàn một số huyện trung bình ở mức 55.000 đồng/kg, giá lợn hơi Công ty CP Việt Nam giảm 1.000 đồng, còn 55.500 đồng/kg. Một số huyện còn có mức giá thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg.

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá lợn hơi cũng chung tình trạng nêu trên, giá có xu hướng giảm mạnh sau thời gian giữ ổn định từ dịp Tết Nguyên đán. Giá lợn hơi tại thành phố lớn nhất nước này cao hơn một số địa phương khi dao động ở mức khoảng 60.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn dự báo, phải đến quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại mới giúp sức tiêu thụ thịt tăng lên.

Dự báo lạm phát đầu năm không nằm ngoài dự kiến

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá. Trong 6 nhóm hàng giảm giá, nhóm giáo dục giảm mạnh nhất với 1,71%, tác động làm CPI chung giảm 0,11 điểm phần trăm. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,58%, kéo CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm giảm 1%, tác động giảm 0,21 điểm phần trăm…

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng GDP là 6,5%; tốc độ tăng CPI khoảng 4,5%. Với năm 2023 - năm bản lề quan trọng để thực hiện mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thì đây là quyết tâm cao của Quốc hội. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2023 sẽ không dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2023 dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, làm gia tăng rủi ro bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia. Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng; thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.

Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá. Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua cũng sẽ đặt ra các thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023 là không đơn giản. Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng, hiện nay nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã tương đối ổn định (nợ công thấp, thâm hụt ngân sách thấp, tỷ giá tương đối ổn định, xuất siêu liên tục nhiều năm...) tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023. Trong đó, lạm phát thấp dưới 4% trong 7 năm qua (2015 - 2022) sẽ là tiền đề tốt để duy trì CPI dưới 4,5% trong năm 2023.Minh Anh

Nhiều dự báo tích cực

Trước những yếu tố tích cực và tiêu cực tác động tới công tác kiểm soát lạm phát của năm 2023, nhiều chuyên gia đã đưa ra những con số dự đoán cụ thể.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% (từ mức 3,15% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022 và sắp tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...).

Ông Ngô Trí Long cho biết, trước đó nhiều ý kiến cho rằng lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 có thể vượt qua ngưỡng 4,5% do một vài tổ chức đưa ra. Lý do chính là vì độ trễ của gói phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và lạm phát ở các nền kinh tế đối tác quan trọng có thể vẫn ở mức cao trong năm tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nếu Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay, để thời kỳ 2021 - 2025 thì lạm phát kỳ vọng sẽ ở mức 4%.

Có ý kiến cho rằng, áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi.

Trong năm 2023, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, do đó sẽ càng gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương bị ảnh hưởng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Việc tăng lương, tăng giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý, kéo theo giá các hàng hóa khác tăng theo sẽ tác động tới CPI trong năm 2023.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước như chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô. Giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022. Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý. Nguồn cung lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê đã xây dựng 3 kịch bản lạm phát phục vụ Chính phủ điều hành trong năm 2023 với chỉ số giá tiêu dùng ở mức 4,4% đến 4,8%. Với thực trạng lạm phát 3 tháng đầu năm nay (nằm trong kịch bản dự báo lạm phát những tháng đầu năm 2023), Tổng cục Thống kê dự báo kịch bản 1 có tính khả thi với tốc độ tăng CPI bình quân cả năm nay đạt mục tiêu Quốc hội.