Chưa đưa các công ty fintech vào diện ‘‘đối tượng báo cáo’’

Theo quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT), các đối tượng gồm ngân hàng và một số tổ chức tài chính khác có nghĩa vụ báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi nghi ngờ, hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ khách hàng sử dụng tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội hoặc liên quan tới rửa tiền.

Thông tin từ những báo cáo này chính là nhân tố quan trọng để triển khai công tác PCRT hiệu quả. Tuy nhiên, cơ chế PCRT hiện nay lại chưa bao quát đầy đủ các đối tượng cung cấp loại hình dịch vụ có rủi ro cao về rửa tiền.

Dịch vụ fintech đang là phương tiện tiềm năng cho các đổi tượng rửa tiền. Ảnh Đỗ Doãn
Dịch vụ fintech đang là phương tiện tiềm năng được các đổi tượng rửa tiền quan tâm. Ảnh Đỗ Doãn

Theo ông Phạm Thanh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân hàng bán lẻ, rủi ro thứ nhất đến từ các công ty công nghệ tài chính (fintech). Chẳng hạn như ví điện tử, là loại hình fintech đã được nhà nước cấp phép và quản lý với hơn 45 giấy phép được cấp, đến nay đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng, thường được sử dụng để mua sắm qua các qua kênh thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn.

Tuy nhiên, bên cạnh các tiện ích đó, một số ví điện tử cũng được phản ánh cho phép, không kiểm soát người dùng sử dụng để thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp như đánh bạc online, cá độ bóng đá hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tương tự như ví điện tử, nhiều loại hình fintech chưa được nhà nước cấp phép như P2P lending (trên 100 công ty) đang hoạt động dưới hình thức kết nối người cho vay và người vay, tạo điều kiện cho các dòng tiền không kiểm soát lưu chuyển trong nền kinh tế.

Trong khi đó, fintech chưa là “đối tượng báo cáo” theo Luật Phòng chống rửa tiền. Nghị định số 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCRT đã bổ sung quy định yêu cầu “Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp PCRT theo quy định của pháp luật PCRT như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật PCRT”.

‘‘Việc bổ sung này tạo cơ sở cho tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các biện pháp PCRT như “đối tượng báo cáo”, song về bản chất, tổ chức fintech khác ngoài tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán vẫn chưa là “đối tượng báo cáo” theo Luật PCRT. Vì vậy, dịch vụ fintech vẫn là phương tiện tiềm năng cho tội phạm thực hiện các hành vi rửa tiền’’ – ông Phạm Thanh Ngọc chia sẻ.

Rủi ro rửa tiền trong các giao dịch tài sản kỹ thuật số

Rủi ro thứ 2 tiềm ẩn nguy cơ lớn về tội phạm rửa tiền là các giao dịch liên quan đến tài sản kỹ thuật số. Hiện nay, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại tiền kỹ thuật số liên tục được phát hành, và việc mua bán tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số diễn ra hết sức sôi động thông qua các kênh thanh toán ngân hàng, ví điện tử.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm ví điện tử tại một buổi triển lãm Ngân hàng số. Ảnh Đỗ Doãn
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm ví điện tử tại một buổi triển lãm ngân hàng số. Ảnh Đỗ Doãn

Với lợi thế ẩn danh và dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu, tiền kỹ thuật số, tài sản kỹ thuật số là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố xuyên quốc gia. Tuy nhiên, các giao dịch liên quan đến tiền ảo nhìn chung vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật nói chung và pháp luật PCRT nói riêng. Ngoài ra, các giao dịch sử dụng dịch vụ thanh toán cá nhân cũng bộc lộ nhiều rủi ro về rửa tiền khi khách hàng thanh toán mua hàng hóa không có thật ở nước ngoài.

Như vậy, trải qua 10 năm kể từ khi Luật PCRT được ban hành, Luật PCRT cùng với các văn bản hướng dẫn đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản để cơ quan nhà nước triển khai công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến rửa tiền một cách hiệu quả và thuận lợi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các dịch vụ ngân hàng và phi ngân hàng trên môi trường internet, đặc biệt là các dịch vụ cá nhân ngày một phát triển và nhân rộng đã làm bộc lộ một số điểm yếu của cơ chế PCRT hiện nay.

Ông Phạm Thanh Ngọc cho biết, qua làm việc với Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tổ chức này cũng đưa ra nhiều khuyến cáo với NHNN về các rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tiềm tàng từ các dịch vụ tài chính cá nhân và dịch vụ ứng dụng công nghệ mới. NHNN hiện đang tiến hành triển khai xây dựng Dự án Luật PCRT, dự kiến sẽ bổ sung các tổ chức, cá nhân kinh doanh mới vào danh sách đối tượng báo cáo cũng như nâng cao thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước bao quát tới tất cả lĩnh vực có rủi ro rửa tiền.

‘‘Dự án Luật PCRT hy vọng sẽ tạo tiền đề để xây dựng cơ chế PCRT của Việt Nam tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế, tạo ra môi trường tài chính lành mạnh để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam…’’ – ông Phạm Thanh Ngọc nói./.