Trình Quốc hội tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết 43 Tồn quỹ ngân sách không phải để bố trí chi cho các nội dung khác |
Đề xuất mở rộng, kéo dài chính sách giảm thuế GTGT 2%
Tham gia ý kiến về việc tiếp tục giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) tán thành cao việc cần thiết tiếp tục có những giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024, để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có thêm các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc giảm chi phí, mở rộng thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) |
Cũng tán thành sự cần thiết tiếp tục giảm thuế GTGT, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) còn đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực này.
Theo đại biểu, việc mở rộng với mặt hàng ô tô mặc dù gây hụt thu ngân sách nhưng đây là mặt hàng chịu thuế cao, nên nếu kích cầu từ việc giảm thuế này thì mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế GTGT.
Phát biểu về kết quả THTK, CLP năm 2022, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Đại biểu cho rằng, kết quả THTK, CLP đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó việc quan tâm công tác hoàn thiện thể chế đã góp phần quan trọng vào kết quả này.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ.
Liên quan đến lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) chỉ ra rằng, tình trạng chậm, nợ đọng trong ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết đã kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Mặc dù tình hình đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế.
Đối với báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần nhìn nhận lại để rút ra bài học kinh nghiệm từ công tác quyết toán NSNN, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm, cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của nhà nước.
Sửa Luật Đầu tư công để gỡ căn cơ điểm nghẽn giải ngân
Sau khi các đại biểu thảo luận, các thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình về những vấn đề đại biểu nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp |
Liên quan đến nội dung giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Chính phủ đề xuất thời hạn 6 tháng là bởi Nghị quyết 43 cũng sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2023, thời hạn này cũng phù hợp với cân đối ngân sách, kích cầu và giải quyết khó khăn tức thời trong giai đoạn hiện nay.
Về ý kiến đưa ô tô vào diện giảm thuế GTGT 2%, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích ô tô là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43, nên không đưa vào giảm thuế. Theo Nghị quyết 43, việc giảm thuế chủ yếu áp dụng cho các mặt hàng thuộc lĩnh vực thiết yếu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh việc phải hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, tạo thị trường thuận lợi cho doanh nghiệp thì tốt hơn là chỉ giảm thuế. Giảm thuế mà doanh nghiệp không có hoạt động thì vẫn khó khăn.
Đối với quyết toán NSNN năm 2021, trước các ý kiến nêu về giao vốn chậm, bổ sung nhiều lần, chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có giải trình tại phiên họp.
Liên quan đến phân bổ chi thường xuyên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội ban hành hàng năm, trong vòng 15 ngày vốn đã được phân bổ hết cho các địa phương, bộ, ngành, không có chuyện phân bổ nhiều lần. Riêng việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách thì phải báo cáo Chính phủ quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội hàng tháng. |
Nêu ý kiến thêm về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phải thiết kế lại Luật Đầu tư công, nếu không năm nào đây cũng là những lý do của việc giải ngân chậm. Đặc biệt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét quy trình chuẩn bị đầu tư rất lâu, từ chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở… cho đến lập dự án, mời thầu... Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại Luật Đầu tư công, để tránh năm nào cũng phải bàn về chậm giải ngân.
Để tăng tính chủ động, linh hoạt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực. Chẳng hạn như trong đầu tư công, giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về rừng đất, tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, dùng ngân sách cấp này chi cho ngân sách cấp khác. Hay địa phương có vốn thì có thể triển khai các dự án trung ương chạy qua địa bàn, từ đó phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phiên họp Quốc hội chiều 1/6. |
Thông tin thêm về công tác hoàn thiện chính sách pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định Bộ đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật. Riêng năm 2022, số nghị định, thông tư Bộ Tài chính đề xuất, ban hành chiếm lần lượt 33% và 26% số nghị định, thông tư được ban hành trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, muốn giải quyết được các nút thắt thì phải tập trung hoàn thiện pháp luật, dùng một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định. Song phải tổng hợp hết được những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thì mới hóa giải được nút thắt, cùng với các giải pháp đồng bộ khác tạo sự phát triển kinh tế. Dù tình hình chung hiện đang khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tin rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam bứt phá, phát triển.
Trong phiên thảo luận buổi chiều, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc một lần nữa giải thích về con số tồn quỹ ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng. Bộ trưởng khẳng định số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi theo dự toán. Đây là nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi do các khoản như tiền đầu tư công chưa giải ngân được, nguồn cải cách tiền lương… và khoảng trên 90% tồn dư quỹ là tại ngân sách địa phương. Số tồn quỹ này phần lớn được gửi tại Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chỉ một số ít gửi ngắn hạn tại một số ngân hàng thương mại nhà nước. |