8

Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh và có nguồn thu bền vững trong tương lai.

Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp để thu bền vững trong tương lai vẫn tiếp tục được kiên định thực hiện.

Cơ cấu lại nguồn thu bền vững

Quốc hội đề ra mục tiêu: Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP. Tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85 - 86% tổng thu NSNN.

Tổng chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi NSNN. Trong tổ chức thực hiện, mục tiêu đặt ra là phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.

Chỉ tăng chi cho chống dịch,
thiên tai bão lũ


“Quốc hội đã quyết định thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 với nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó quyết định tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, là một quyết sách đúng đắn. Tất nhiên, đây cũng là thử thách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, song chỉ có như vậy, mới tiến tới một bước cân đối lại NSNN.

Về ngân sách, tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiết kiệm các khoản chi. Chúng ta cần phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu thường xuyên. Các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện dự toán, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng, chỉ tăng chi cho an sinh xã hội, chi phòng chống dịch Covid-19, thiên tai bão lũ”.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh)

Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.

Về định hướng công tác tài chính quốc gia, đối với thu ngân sách, Quốc hội đề nghị khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tăng thu hợp lý kết hợp nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế.

Về chi NSNN, mục tiêu là từng bước cơ cấu lại chi theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ..., theo quy định của pháp luật.

Tập trung sửa đổi thể chế thu ngân sách

Việc sửa đổi chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu một cách bền vững, là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, có việc sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt... Ngoài ra, Luật NSNN cũng được đề nghị phải sửa đổi trong giai đoạn tới cho phù hợp thực tiễn.

Về cơ cấu các nguồn thu, nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản để tránh thất thoát; hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.

Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh và có nguồn thu bền vững trong tương lai. Đề nghị, cần kịp thời sửa đổi các luật thuế, cải cách chính sách thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền sử dụng đất, thuế trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0), chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ thuế.

Bên cạnh quan điểm tăng chi đầu tư phát triển, ban đầu Chính phủ đề xuất dự kiến 28% tổng chi NSNN. Nhiều ý kiến cho rằng, mức dự kiến như trên là hợp lý. Tuy nhiên có một số vị đề nghị bố trí nguồn lực đầu tư phát triển khoảng 29% vì trong điều kiện tác động của đại dịch kinh tế phục hồi khó khăn, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển nguồn lực rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội đã quyết định nâng mức chi cho đầu tư phát triển lên 29% thay vì 28%.

Với mức bội chi giai đoạn này, Chính phủ xác định mức 3,7% GDP. Trong các thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ, bởi các quốc gia muốn phát triển đều phải vay nợ để có nguồn lực cho đầu tư phát triển. Song, mức bội chi cần được kiểm soát thận trọng và “trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP”, như nghị quyết của Quốc hội là hết sức phù hợp.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã góp nhiều ý kiến về giải pháp trong điều hành thu - chi NSNN, như, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ hơn các thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền số, trái phiếu doanh nghiệp; chú trọng đến thị trường trái phiếu một cách bền vững và an toàn, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn.

Một số ý kiến đề xuất cần có nhiều kịch bản cho kế hoạch tài chính 5 năm trong tình hình phức tạp hiện nay, ưu tiên nguồn lực tài chính dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường cho công tác tiêm phòng vắc-xin, khuyến khích tự sản xuất vắc-xin trong nước…

Chính sách tài khóa phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi


Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, là bộ quản lý nhà nước đa ngành, các chính sách tài khóa, chính sách tài chính ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm vẫn là đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia. Các chính sách tài khóa phải tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân, doanh nghiệp hăng hái sản xuất kinh doanh tạo ra của cải vật chất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Định hướng trong thời gian tới, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện pháp lý về quản lý NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; tăng cường cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo hướng Chính phủ quản lý các cân đối lớn, giữ vai trò định hướng phát triển chung cho cả nước. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, phát triển hệ thống thu hiện đại, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thu, chi NSNN, tập trung khắc phục thất thu thực tế và thất thu tiềm năng.

Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới ngành Tài chính sẽ đẩy mạnh công nghệ thông tin, dữ liệu số, hoá đơn điện tử, trí tuệ nhân tạo trong công tác thu ngân sách, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, nâng cao sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Bên cạnh đó, ngành Tài chính tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác hải quan, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển thuận lợi.

Đối với chi NSNN, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN trên cơ sở phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường. Đồng thời, triển khai quản lý ngân sách trung hạn; gắn kết chặt chẽ chi đầu tư với chi thường xuyên; mở rộng việc áp dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính, sự nghiệp công, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công; cải thiện mạnh mẽ hiệu quả, hiệu lực chi tiêu công; quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô; đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Minh Anh