Nhậm chức “Tư lệnh” ngành Tài chính vào thời điểm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nhưng với bản lĩnh, trách nhiệm của người đứng đầu cùng với sự vào cuộc của toàn ngành, ngành Tài chính đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đề ra. Chia sẻ với TBTCVN, Bộ trưởng cho biết, ngành Tài chính tiếp tục tập trung đồng bộ các giải pháp, khơi dậy nguồn lực tài chính cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Nỗ lực vươn tầm, vượt lên thách thức

Được giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính vào đầu tháng 4/2021 thì đến cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát mỗi lúc một nghiêm trọng. Trong bối cảnh bình thường, thực hiện các mục tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đã không ít thách thức thì năm 2021 là năm khó khăn chưa từng có tiền lệ. Còn nhớ, ở thời điểm nhậm chức, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí “tôi nhận thấy đây là vinh dự lớn, nhiệm vụ quan trọng nhưng đòi hỏi trách nhiệm cao và nặng nề”, nhưng có lẽ ông cũng không thể ngờ rằng, nhiệm vụ của ngành trong năm lại nhiều thử thách đến thế.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “năm 2021 có thể nói là thời điểm hết sức quan trọng, là năm đầu thực hiện các mục tiêu, chiến lược, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ mới. Đây là khó khăn, thách thức, cũng là cơ hội đối với ngành Tài chính. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa, góp phần thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

TBTCVN: Vâng, đúng như nhận định của Bộ trưởng, một năm đầy “sóng gió” qua đi, ngành Tài chính đã “gặt hái” được những thành quả quan trọng, thể hiện bản lĩnh vượt lên khó khăn. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về một số kết quả nổi bật của ngành năm qua?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Tài chính hết sức nỗ lực, triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Nhiều chính sách về thu, chi NSNN được ban hành và khẩn trương thực hiện.

Ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Theo ước tính, tổng số tiền thực hiện các chính sách về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Huy động đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính. Bên cạnh nguồn từ NSNN, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, huy động sự đóng góp thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bộ Tài chính đã điều hành hiệu quả nguồn quỹ này, để bên cạnh nguồn chủ đạo từ NSNN, có thêm nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 với kinh phí thu được để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân là 8.808 tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ chỉ đạo triệt để tiết kiệm chi, ưu tiên cân đối nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, như: cắt giảm nhiều khoản chi phí không cần thiết, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, giảm 50% công tác phí nước ngoài, trong nước, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch...

Năm 2021, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch, trong đó, chi 45,1 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và 28,9 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thu NSNN năm 2021 tăng 16,4% so với năm 2020; trong đó, thu từ thuế, phí vượt 14,5% so với dự toán, tăng 11,4% so với thực hiện năm 2020; thu từ chứng khoán phát triển, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt bằng 123% GDP năm 2020 và bằng 92,3% GDP năm 2021. Các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ chính phủ đều trong phạm vi Quốc hội quyết định (không quá 4% GDP, 46,1% GDP, 41,9% GDP).

Ngành Tài chính có được kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN”.

Nguồn: Bộ Tài chính    				                                              Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

... Những cố gắng qua từng ngày từng tháng không hề ngơi nghỉ. Còn nhớ vào cuối tháng 10, trong một phiên họp tổ của Quốc hội, người đứng đầu ngành Tài chính khi đó vẫn chưa vơi những lo lắng, khi ông bộc bạch: “2021 là năm vô cùng vất vả, chưa năm nào khó khăn như thế do tác động của đại dịch”. Bởi ở thời điểm đó, do tác động dịch bệnh, do kinh tế tăng trưởng sụt giảm và những gói giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất đang thực hiện, nên thu NSNN liên tục giảm. Trái ngược với tình hình thu ngân sách, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến nhu cầu tăng chi cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân ngày càng gia tăng.

Chủ động các kịch bản về ngân sách để tham mưu cho Chính phủ; cân nhắc, tính toán hết những thuận lợi và khó khăn được lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm, kiên định trong chỉ đạo, điều hành. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc từng nhấn mạnh: “Chính sách tài khóa sẽ được điều hành linh hoạt. Dù khó khăn, ngành Tài chính phấn đấu tăng thu so với dự toán đề ra; chi ngân sách không vượt dự toán, tiết kiệm chi và có nguồn lực để phát triển kinh tế và chống dịch”. Điều này đã được người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định ở thời điểm nhậm chức, khi cho biết ông sẽ ưu tiên “củng cố chính sách tài khóa, cân đối thu - chi NSNN, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Sáng tạo, mở đường cho phát triển và giải phóng nguồn lực

Am tường trên nhiều lĩnh vực, bản lĩnh và ý chí tạo nên phong cách người đứng đầu “đã đi là phải đến và đã nói là làm”, chỉ trong chưa đầy một năm với ngành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã bắt tay vào triển khai một loạt các công việc.

Xây dựng thể chế tài chính được người đứng đầu ngành Tài chính dành sự quan tâm đặc biệt, ngay từ thời điểm ông bắt đầu trên cương vị mới. Trong khó khăn, ông luôn nhắc nhở, động viên toàn ngành Tài chính đẩy mạnh sáng tạo, đoàn kết, đổi mới hơn nữa, đặc biệt phát huy sáng kiến trong quản lý, điều hành, sớm vượt qua khó khăn, tạo đà bứt phá khi dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

Những quyết tâm đó đã minh chứng bằng số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó có nhiều đề án phát sinh, không có trong kế hoạch. Từ đầu năm 2021 đến nay đã có 28 nghị định của Chính phủ, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo được ký ban hành (bao gồm cả số đã trình từ cuối năm 2020); đồng thời ban hành theo thẩm quyền 109 thông tư về tài chính - ngân sách.

Nhiều chính sách được ban hành trong năm 2021 được cho là “mở đường cho sự phát triển và giải phóng nguồn lực”, như Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 76/2021/NĐ-CP quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định số 92/NĐ-CP về miễn, giảm thuế...

Đáng chú ý, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và một loạt các chiến lược của các ngành Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Kho bạc, Bảo hiểm... Đây được coi là “kim chỉ nam”, là đường hướng phát triển của ngành Tài chính trong giai đoạn tới.

Với những “việc cần làm ngay”, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thành lập tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của vị “Tư lệnh” ngành Tài chính đối với những nhiệm vụ tưởng như khiêm tốn nhưng có ý nghĩa lớn này, bên cạnh khối lượng công việc rất lớn mà ngành Tài chính phải đảm đương. Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân; rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.

Đồng hành, sẻ chia, đáp ứng nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp trong khó khăn, qua câu chuyện, chúng tôi thấy dường như trong suy nghĩ của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng vơi bớt những băn khoăn, trăn trở.

TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, năm 2022 dự kiến những khó khăn sẽ nhân lên khi tình hình dịch bệnh vẫn khó dự đoán. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính có nghiên cứu, xem xét để tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách mới cho người dân, doanh nghiệp không?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực triển khai quyết liệt, kịp thời những nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp về điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ổn định, chủ động kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Gói kích thích kinh tế, trong đó có hỗ trợ về tài khóa chưa từng có tiền lệ sẽ được triển khai trong năm 2022 cho thấy Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch gây ra.

Với phương châm coi doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022. Cụ thể, như: Bộ đã ban hành thông tư giảm 37 khoản phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp đến hết tháng 6/2022; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2022; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP trong đó giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhiều nhóm mặt hàng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước...

Bộ Tài chính là bộ quản lý nhà nước đa ngành, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính quốc gia, đặc biệt là tham mưu chính sách tài chính để tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư đều phát triển vững mạnh. Do đó, chính sách tài khóa nói chung và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm vẫn là đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, đảm bảo sự an toàn và bền vững tài chính quốc gia”.

… Không quá lời khi nói rằng, năm 2021 Bộ Tài chính nhận được “cơn mưa” lời khen đến từ các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp khi đề xuất thực hiện “chính sách tài khóa vì dân”. Bà Dorsati Madani - Chuyên gia cao cấp của WB cho rằng, “Cách thức Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 rất khác. Nợ của Việt Nam không tăng mạnh, bội chi tăng một chút nhưng điều chúng tôi ghi nhận là trong 2 năm qua, các chính sách tài khóa đã hỗ trợ kinh tế vượt qua khủng hoảng”.

Nhiều đại biểu Quốc hội, đại diện một số tổ chức nước ngoài đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính khi cho rằng, ngành Tài chính đã rất linh hoạt và chủ động trong điều hành, đảm bảo được nguồn thu và nhiệm vụ chi, phục vụ các nhu cầu cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng, cá nhân Bộ trưởng cũng rất thẳng thắn và lo lắng cho ngân sách. Trong bối cảnh khó khăn, các chính sách tài chính vừa “khoan thư sức dân”, vừa đảm bảo thu đủ về ngân sách để có tiền chi tiêu các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các đại biểu thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các đại biểu thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022.

Trở lại câu chuyện với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với phong thái bình dị, khiêm nhường, ông cuốn chúng tôi vào những dự định, những công việc còn đang dang dở. Chúng tôi thấy ông luôn đau đáu về việc đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tài chính - NSNN để mở đường cho phát triển và giải phóng nguồn lực, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thời điểm mới về nhậm chức, ông đã “nhìn” ra được một số nguồn thu tiềm năng mà không ảnh hưởng tới “đời sống” của doanh nghiệp, như thu trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, thu trên thị trường chứng khoán, chống chuyển giá, thu đúng về chuyển nhượng bất động sản... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, như phát hành hóa đơn điện tử có mã, dùng trí tuệ nhân tạo phân tích quản lý hóa đơn để tránh thất thu ngân sách. Một loạt các công việc triển khai cho thấy ông đã kiên định với ý tưởng này.

Vẫn giọng nói từ tốn, ông nói như chiêm nghiệm: “Tôi thấy rằng, thế giới luôn biến động, phát triển, đặc biệt khoa học công nghệ đang làm biến đổi phương thức quản lý truyền thống, ngành Tài chính phải luôn đổi mới phương thức, sáng tạo hơn nữa trong công tác chủ động thích ứng thực tiễn, chủ động trong quản lý thuộc lĩnh vực của mình, phải tập trung chuyển đổi số để thực hiện tài chính số”.

Nói được làm được. Sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), Bộ trưởng đã ra “tối hậu thư” phải triển khai cho được vào đầu tháng 7. Sau đó 3 tháng, đích thân Bộ trưởng điều hành cuộc họp đánh giá hiệu quả vận hành hệ thống mới. Hay như quyết tâm triển khai thực hiện hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố từ trung tuần tháng 11/2021 và tại các tỉnh còn lại từ tháng 4/2022 được cho là “mũi tên trúng nhiều đích”, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan quản lý, vừa hạn chế gian lận về hóa đơn, chống thất thu ngân sách, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Thời cơ lớn đến cùng những thách thức

Khép lại một năm đầy sóng gió. Còn nhiều việc phải làm nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, vị “Tư lệnh” ngành Tài chính đã truyền đi cảm hứng với niềm tin và kỳ vọng vào một mùa Xuân mới, thời cơ mới của ngành Tài chính.

TBTCVN: Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều việc phải làm. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những trăn trở của mình, ngành Tài chính cần làm gì để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2022 cũng như thực hiện Chiến lược Tài chính quốc gia giai đoạn 2021 - 2030?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Nhiệm kỳ 2021-2026 là thời điểm rất quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó trong xây dựng và quản lý điều hành kế hoạch tài chính – NSNN phải tích cực, nhưng thận trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tài chính sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, đến từ trong nước và ngoài nước, cũng như trong bối cảnh chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, vẫn còn một số hạn chế và khó khăn như: thu NSNN chưa thực sự bền vững; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm so với kế hoạch đề ra; tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công chưa cải thiện. Tình hình thiên tai, dịch bệnh phát sinh khiến NSNN phải tăng thêm nhiều khoản chi.

Nhiệm vụ đặt ra trong trước mắt cũng như lâu dài của ngành Tài chính là hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, với các nhiệm vụ cụ thể đề ra cho từng tháng, từng năm. Có rất nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên tôi cho rằng, cần thực hiện tốt 3 đột phá: Một là, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; cơ cấu lại NSNN và thị trường tài chính; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính ngoài nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tăng cường nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ba là, đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số, đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.

Để đạt được các mục tiêu đó, toàn ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm, nỗ lực quyết liệt, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng, cách làm sáng tạo, ngành Tài chính sẽ vượt qua mọi thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách đề ra.

… Một năm đầu nhiệm kỳ đầy khó khăn, nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, những thách thức lại là cơ hội khẳng định bản lĩnh. Thành công luôn đến từ những quyết định mang tính đột phá, bằng tri thức, lý trí và tầm nhìn.

Đất nước bước vào Xuân. Một mùa Xuân mới đầy hứa hẹn luôn mang theo những khát vọng cho một ngày mai tươi sáng. Tin rằng, hành trình hiện thực hóa những mục tiêu của ngành Tài chính sớm gặt hái được nhiều thành công từ những hoài bão, trăn trở và tâm huyết với Ngành.