Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 với chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”.

NHNN cho biết, đã phối hợp với C06 - Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại…

Khởi động chuỗi sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.L
Sau sự cố 2 ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, chuyên gia khuyến nghị gì cho Việt Nam? Chuyển đổi số ngành Ngân hàng tập trung vào ứng dụng dữ liệu dân cư

Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), năm 2022 một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố.

Năm 2023, một số ngân hàng đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động (do ngân hàng mua sắm cho nhân viên) cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (giải pháp Match on Card - MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023.

Một số TCTD như Vietcombank, MB, PVComBank... đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Ngoài ra, VietinBank triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ.

NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng.

Một số giải pháp khác là đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông…

Các ứng dụng số phát triển mạnh thời gian qua

Năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị).

74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; khoảng 18,6 triệu thẻ; 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động.

Hiện đã có hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, số lượng giao dịch của tài khoản Mobile Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt khoảng 1.268 tỷ đồng.