Mức tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2020 khoảng 6,15%.

Mức tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2020 khoảng 6,15%.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân với phóng viên TBTCVN.

* PV: Tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (NH) vẫn ở mức khá thấp, khoảng 6,15%. Theo bà, có nên ép tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm?

- Bà Đỗ Hoài Linh: Nhìn nhận khách quan có thể thấy, mức tăng trưởng tín dụng 6,15% hiện tại là rất đáng ghi nhận, vì con số này 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt mức 3,65%, trong đó tín dụng cho các ngành ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đều ghi nhận mức tăng đáng khích lệ.

Bà Đỗ Hoài Linh

Bà Đỗ Hoài Linh

Theo tôi, việc ép tăng trưởng tín dụng trên thực tế là bất khả thi, vì tăng trưởng tín dụng chỉ có được khi có sự vận hành hài hòa của cả cung - cầu tín dụng. Hiện nay, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, nhưng nhu cầu tín dụng giảm vẫn đang là khó khăn không nhỏ đối với ngành NH trong những tháng cuối năm 2020.

Theo tôi, từ giờ đến hết năm 2020, nếu Việt Nam không xảy ra sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3, đà phục hồi hiện tại vẫn được giữ vững, thì có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng cả năm là 10%.

* PV: Nhiều ý kiến cho rằng khả năng ngành NH không hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020. Quan điểm của bà về nhận định trên như thế nào? Theo bà, Ngân hàng Nhà nước có nên nới trần tỷ lệ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2020 và cả năm 2021 không?

- Bà Đỗ Hoài Linh: Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong năm 2020 có đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD được kiểm soát ở mức dưới 2%. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh phần nào tình hình thực tế, bởi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các NH được phép cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, do đó, nợ xấu thực tế sẽ cao hơn con số báo cáo. Ngoài ra, theo báo cáo tài chính của nhiều NH công bố trong quý III/2020 cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng đáng kể so với trước đó. Khảo sát của tôi từ 14 NH niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III cho thấy, tỷ lệ nợ xấu quý III tăng trung bình 30% so với quý II/2020.

Về ý kiến Ngân hàng Nhà nước có nên nới trần tỷ lệ nợ xấu cho các TCTD năm 2020 và cả năm 2021, theo tôi là không. Bởi, tỷ lệ nợ xấu đã đặt ra sẽ vừa là chỉ tiêu để giúp đánh giá hiện trạng nợ xấu các NH, đồng thời cũng là mục tiêu để các TCTD hướng đến, đặc biệt trong việc xây dựng chính sách tín dụng, nắn dòng vốn không được chảy vào những lĩnh vực dễ xảy ra bong bóng như chứng khoán, bất động sản… và thực hiện quy trình tín dụng một cách nghiêm túc để bảo đảm nợ xấu trong ngưỡng cho phép.

* PV: Bà dự báo như thế nào về “bức tranh” ngành NH cả năm 2020 cũng như bước sang năm 2021?

- Bà Đỗ Hoài Linh: Đến thời điểm này, “bức tranh” ngành NH cả năm 2020 và nửa đầu năm 2021 đã bộc lộ khá rõ nét. Theo đó tôi cho rằng, về cơ bản hoạt động ngành NH sẽ tiếp tục duy trì xu hướng như hiện nay. Cụ thể, thanh khoản toàn thị trường dồi dào, lãi suất tiếp tục duy trì mức thấp và còn có xu hướng giảm tiếp sang năm 2021, tăng trưởng tín dụng dù không cao như những năm trước nhưng vẫn là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống NH gia tăng, nhưng nguồn gốc của các khoản nợ tiềm ẩn này phần lớn đến từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nên sẽ dễ dàng phục hồi hơn là nợ xấu đến từ những lĩnh vực tạo bong bóng như những giai đoạn trước. Lợi nhuận thực tế của các NH sẽ có xu hướng giảm, dù số liệu lợi nhuận trên sổ sách của các NH có thể tăng. Ngoài ra, tiến trình số hóa NH sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn ngay cả khi dịch Covid-19 được khống chế...

Trong bối cảnh đó, theo tôi, các NH ngoài việc nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, thì về dài hạn cần điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tài sản tín dụng, tăng tài sản phi tín dụng. Đồng thời, luôn phải đặt nhiệm vụ xử lý nợ xấu là trọng tâm, đặc biệt là việc xây dựng các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm khách hàng và đẩy mạnh bán nợ. Cùng với đó, các NH cần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống dữ liệu lớn (big data), nhanh chóng đưa vào sử dụng và hoàn thiện các sản phẩm NH số, các giao dịch NH điện tử…

* PV: Xin cảm ơn bà!

Ép tăng trưởng tín dụng là bất khả thi

Theo số liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), 10 tháng năm 2020, cả nước có 111.160 DN thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019; có 85.541 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 58,7% với cùng kỳ năm 2019. Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao cho thấy, nhu cầu hấp thụ tín dụng còn yếu trong bối cảnh chồng chất những khó khăn đến từ tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu suy giảm, đặc biệt làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3 đang đe dọa toàn cầu. Mặt khác, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức thấp, thu nhập của người dân giảm sút do tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng… Do đó, việc ép tăng trưởng tín dụng là bất khả thi.

Diệu Thiện (thực hiện)