Giải pháp gỡ khó trong tác nghiệp
Những năm gần đây, ngành Hải quan đã tích cực tham gia nghiên cứu nhiều nhiệm vụ khoa học cấp bộ và là một trong những đơn vị dẫn đầu công tác nghiên cứu khoa học của ngành Tài chính. Trong đó, các nghiên cứu dài hơi, có tính chất dự báo, cung cấp cơ sở lý luận, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề căn cơ, bắt kịp với sự thay đổi về phương thức, loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) trong thời gian tới.
Có thể kể đến một số đề tài như: Nghiên cứu mô hình kiểm tra hàng hóa tập trung của Hải quan Việt Nam; Hải quan xanh; Hải quan trong nền kinh tế chia sẻ..., hay tập trung nghiên cứu nhận diện một số thủ đoạn buôn lậu, trốn thuế trong những hình thái thương mại mới... Đặc biệt, nhiều đề tài đặt vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh toàn ngành Hải quan tập trung các nguồn lực xây dựng mô hình hải quan số, hướng tới mô hình hải quan thông minh, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin theo các tiêu chuẩn khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Trong giai đoạn 2020-2022, trước những khó khăn do dịch bệnh, cơ quan hải quan đã chủ động tổ chức nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động XNK, đảm bảo hàng hóa được thông quan nhanh chóng, góp phần thúc đẩy XK, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh các biện pháp thực thi, cơ quan hải quan cũng xác định việc nghiên cứu cơ sở lý luận của các vấn đề khoa học là giải pháp căn cơ, lâu dài, là nền tảng để giải quyết những khó khăn theo lộ trình, mục tiêu cụ thể.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Hội đồng khoa học Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ VIII (2021-2023). Ảnh: Quỳnh Trang |
Với phương châm khoa học là đổi mới, ngay từ năm 2021, Tổng cục Hải quan đã xây dựng định hướng cho giai đoạn 2 năm 2022 - 2023 phù hợp với định hướng nghiên cứu khoa học của Bộ Tài chính, cũng như xu hướng phát triển mang tính chất dài hạn của công tác quản lý hải quan. Nội dung định hướng cũng có nhiều thay đổi, ngoài các vấn đề chung, ngành Hải quan xác định phân rõ nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.
Việc phân chia này dần đưa các đơn vị địa phương tiếp cận vấn đề nghiên cứu, phát huy tính khoa học sáng tạo trong thực tiễn nghiệp vụ phát sinh. Các đơn vị thuộc khối tổng cục phát huy tinh thần tham mưu tổng hợp những vấn đề mang tính dài hơi, hoạch định chính sách và xây dựng văn bản.
Có thể nói, hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học của ngành Hải quan đã làm rõ các luận cứ khoa học về đổi mới công tác nghiệp vụ, đưa ra các quan điểm và giải pháp, kiến nghị mới về lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ đắc lực cho việc hoạch định chính sách, định hướng phát triển của Hải quan Việt Nam. Nhiều đề tài sau khi được nghiệm thu đã trở thành tài liệu tham khảo bổ ích giúp cho các cán bộ công chức trong và ngoài ngành có cách nhìn khái quát và biện chứng sâu hơn về các quy trình nghiệp vụ hải quan.
Các đề tài còn là giải pháp trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tác nghiệp của ngành hay làm cơ sở khoa học để xây dựng các văn bản, chính sách. Ngoài ra, các đề tài còn là tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hải quan, cẩm nang tham khảo để giải quyết một số vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Tận dụng tối đa nguồn nhân lực
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải quan (Tổng cục Hải quan), với những yêu cầu đặt ra, Hải quan Việt Nam xác định, công tác nghiên cứu khoa học trong năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2030 cần tăng cường tập trung vào các lĩnh vực như: hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thực hiện các cam kết quốc tế; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan; hoàn thiện tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực. Trong đó, nghiên cứu các vấn đề mới với mô hình hải quan số, hướng tới mô hình hải quan thông minh, hải quan xanh, quản lý biên giới thông minh...
Với vai trò là cơ quan thường trực, Viện Nghiên cứu hải quan sẽ tập trung tham mưu cho lãnh đạo tổng cục chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đề xuất cải cách, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế; hoàn thiện pháp luật về hải quan trên cơ sở áp dụng các chuẩn mực, khuyến nghị của WCO, các thông lệ của hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới; nội luật hóa sâu rộng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia,…
Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ xây dựng cơ chế phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, triển khai các đề tài có sự liên kết phối hợp của hai hay nhiều đơn vị để tận dụng tối đa nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học ngành Hải quan; đặc biệt ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn chặt vào hoạt động thực tiễn, nhằm giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Hải quan đã đặt ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Những khó khăn trong nghiên cứu khoa học Công tác nghiên cứu khoa học của ngành Hải quan vẫn gặp phải một số khó khăn như: Lực lượng nghiên cứu khoa học vẫn chủ yếu tập trung vào một số cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác chính sách tại khối cơ quan tổng cục. Cán bộ công chức, viên chức công tác tại các đơn vị địa phương ít cơ hội tiếp cận nghiên cứu, hoặc chưa được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo đơn vị; trong khi đó thực tiễn phát sinh nhiều vướng mắc, nhiều khó khăn cần phải giải quyết bằng các luận cứ khoa học… |