* Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:

Ngành Tài chính đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, góp sức vào thành công của đất nước

Ngành Tài chính phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới và phát triển
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Trong mỗi chặng đường phát triển, ngành Tài chính luôn có những đóng góp to lớn và gắn liền với những thành tựu chung của đất nước. Vượt qua giai đoạn đầu với muôn vàn khó khăn, ngành Tài chính ngày càng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của mình với nhiều dấu ấn nổi bật trong thời kỳ đổi mới.

Trong hơn 30 năm đổi mới và đặc biệt trong 10 năm qua, ngành Tài chính luôn kiên định đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, vượt qua khó khăn, thách thức và tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, tô thắm thêm nét son truyền thống của ngành; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các thế hệ cán bộ ngành Tài chính qua các thời kỳ đã dày công vun đắp truyền thống, đoàn kết, nhất trí, sáng tạo và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, cũng như yêu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tài chính đã có sự trưởng thành về mọi mặt, không chỉ lớn mạnh về số lượng mà còn tinh nhuệ, nhiệt huyết, sáng tạo và có chuyên môn cao,… đã đóng góp quan trọng vào thành tích chung của ngành nói riêng và của đất nước nói chung.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Nhà nước, sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Tài chính đã ngày càng hoàn thiện về thể chế, chính sách pháp luật tài chính và điều hành hiệu quả chính sách tài khóa; góp phần khơi thông các nguồn lực tài chính, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, những khó khăn từ đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19, cũng như các thách thức lớn trên toàn cầu đem lại, việc ngành Tài chính vẫn vững tâm, sáng tạo để đảm bảo được các cân đối lớn của đất nước, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh, xã hội là một thành công cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Ngành.

Ở mỗi thời kỳ sẽ có những khó khăn thách thức riêng, nhưng với truyền thống, sự đoàn kết và những nét son đáng tự hào, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn vào thành tựu phát triển đất nước. Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành Tài chính, tôi mong muốn và tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với nhiều cơ hội và thách thức mới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, thống nhất ý chí và hành động để gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

* Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế:

Tiếp bước truyền thống, xây dựng nền tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh

Ngành Tài chính phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới và phát triển
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế

Ngành Tài chính luôn giữ được “nét son” như cố Bộ trưởng Phạm Văn Đồng nói. Tiếp bước truyền thống qua các thời kỳ, đến nay, chúng ta đã có một nền tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thời gian vừa qua, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trong bối cảnh dịch bệnh, khi nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng ngành Tài chính đã chủ động, linh hoạt, kịp thời trình các cấp ban hành các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngành Tài chính cũng luôn đi đầu trong công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý, vừa giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, giảm sự phiền hà trong thi hành các thủ tục, nhất là về thuế, hải quan.

Các chính sách tài chính đã tạo ra nhiều công cụ đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho phát triển đất nước. Chúng ta đã mở thêm nhiều kênh huy động vốn mới, trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán...

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đặc biệt khi nhiệm kỳ này chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh chưa từng có tiền lệ. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) luôn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng những biến động bất thường của tình hình địa chính trị thế giới, dịch Covid-19 chưa kiểm soát được hoàn toàn trên toàn cầu, vẫn phải chi hỗ trợ cho chống dịch, chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...

Ngoài ra, trong giai đoạn này vẫn cần nguồn lực lớn cho đầu tư công để làm động lực phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, ngành Tài chính vẫn phải kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính; phấn đấu giảm bội chi NSNN khi có điều kiện để tăng dư địa tài khóa, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Do đó, Bộ Tài chính cần bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để tăng cường quản lý, điều hành các chính sách tài chính - NSNN. Bộ Tài chính cần thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 và chiến lược phát triển của từng lĩnh vực trong giai đoạn này. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật về tài chính - NSNN, đảm bảo tuân thủ pháp luật trong quản lý tài chính - NSNN, chi tiêu công, thực hiện nghĩa vụ thuế và đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống tài chính, an toàn thị trường chứng khoán, bảo hiểm.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập.

* Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Chính sách tài khóa tạo dư địa quan trọng để “giảm sốc” cho nền kinh tế

Ngành Tài chính phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới và phát triển
Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ

Vừa qua, khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách để vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định an sinh xã hội và phục hồi phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa thì chính sách tài khóa đã đứng ra nhận trọng trách hết sức nặng nề. Hàng loạt chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, tiền thuê đất… đã được triển khai liên tục.

Những năm gần đây nhờ những cải tiến, nỗ lực tích cực của Chính phủ, dư địa chính sách tài khóa đã được cải thiện, cơ cấu ngân sách bền vững hơn. Từ đó, tạo tiền đề để triển khai đồng loạt, kịp thời các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Đây là dư địa quan trọng để “giảm sốc” cho nền kinh tế khi gặp khó khăn và kích thích nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Đặc biệt, vừa qua giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, cùng với sự đứt gãy nguồn cung hàng hóa trên thế giới đã đẩy giá cả tăng, gây áp lực lạm phát lớn với Việt Nam. Trước tình hình này, Chính phủ đã kịp thời đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% về 10%... góp phần đa dạng nguồn cung, giảm áp lực giá cả với mặt hàng xăng dầu.

Đây là một giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô mà còn có ý nghĩa hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới phục hồi sau khủng hoảng.

Những chính sách này đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt kết quả khả quan trong 8 tháng năm 2022. Cùng với việc tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, chúng ta vẫn giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế ở dưới mức mục tiêu…

Đây những thành công bước đầu và có nghĩa hết sức quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế thông qua các công cụ chính sách nói chung, trong đó đặc biệt là các chính sách tài khóa nói riêng mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Các giải pháp về tài khóa có ý nghĩa hết sức tích cực đối với ổn định và phục hồi kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nền của đại dịch vừa qua.