Bảo hiểm xã hội: Hoàn thành hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm một số lĩnh vực Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Chủ tịch Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tập đoàn lớn Hàn Quốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Lần đầu tiên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp Hàn Quốc

Sáng 22/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc ký Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ 1/12/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ tham gia BHXH bắt buộc và được thụ hưởng với chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; từ ngày 1/1/2022 sẽ tham gia và được thụ hưởng thêm 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Cùng với quy định nêu trên của Việt Nam, từ ngày 1/1/2022, theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc, người lao động Việt Nam khi làm việc tại Hàn Quốc cũng sẽ tham gia và được thụ hưởng từ chương trình hưu trí quốc gia của Hàn Quốc.

Quy định áp dụng BHXH như trên làm phát sinh nghĩa vụ đóng song trùng BHXH, người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ vừa phải đóng BHXH ở Việt Nam (theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật BHXH), vừa phải đóng BHXH theo Luật Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc cũng tương tự đối với người lao động Hàn Quốc khi làm việc tại Việt Nam. Theo thông lệ quốc tế, các quốc gia sẽ giải quyết vấn đề nêu trên bằng việc thỏa thuận thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương về BHXH.

Theo tờ trình của Chính phủ, tính đến hết năm 2020 có hơn 27.000 lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; hơn 44.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc.

Hiệp định bảo hiểm xã hội
100% thành viên UBTVQH đồng ý về nguyên tắc ký Hiệp định BHXH

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết ký hiệp định nhằm tránh tình trạng đóng BHXH hai lần, tối ưu hóa quyền lợi về BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đồng tình việc ký kết hiệp định, tuy nhiên đề nghị Chính phủ làm rõ thêm chế tài và hướng xử lý xung đột pháp luật về việc trốn đóng BHXH; tính tương thích của hiệp định này với các hiệp định có liên quan; hiệp định này sau khi có hiệu lực thì có phải sửa các văn bản quy phạm pháp luật nào không?

Nhấn mạnh đây là hiệp định toàn diện về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung này rất cần thiết, đã được Chính phủ hai nước bắt đầu đàm phán từ năm 2015 và đã thống nhất được nhiều nội dung lớn. Hiện số lượng lao động của Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc sinh sống, làm việc tại Việt Nam rất đông, ngày càng tăng lên trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Việc ký kết hiệp định này nhằm tránh tình trạng đóng BHXH 2 lần và bảo đảm tối ưu hóa quyền lợi về BHXH của người lao động làm việc tại hai quốc gia.

Sau khi nghe các báo cáo và thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết, đồng ý về mặt nguyên tắc ký Hiệp định BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc./.