Vận chuyển trái phép các chất ma túy: “Nóng” cả 2 chiều xuất - nhập Nghệ An xử lý hơn 1.000 vụ buôn lậu và gian lận thương mại Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra
Phối hợp chặt chẽ để đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Ảnh: Đức Minh.

Làm tốt vai trò thường trực, tham mưu

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng của bộ chủ động triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, giải pháp đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, mặt hàng nổi cộm như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, xì gà, phân bón, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong thẩm quyền quản lý triển khai nhiều giải pháp để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cụ thể, lực lượng hải quan đã tham mưu và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với một số mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, than, đường cát, thuốc lá điếu.

Hải quan Việt Nam cũng tập trung kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm như: thủ tục hải quan điện tử, hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu vận chuyển độc lập, tạm nhập tái xuất, gia công đầu tư nước ngoài; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương để đấu tranh phát hiện, bắt giữ xử lý đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dự kiến, những quy định mới sẽ hạn chế gian lận đối với loại hình hàng quá cảnh. Ảnh: Hồng Vân.
Việc thu thập thông tin trước sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phân luồng hàng hóa của cơ quan hải quan. Ảnh: Hồng Vân.

Cơ quan thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại; tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn, chống gian lận hoàn thuế GTGT; tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng hải quan đã xử lý 7.534 vụ vi phạm; trị giá hàng hóa ước tính trên 3.771 tỷ đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 24 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 55 vụ; số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 209 tỷ đồng.

Toàn ngành Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 26.910 doanh nghiệp, tổng số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước trên 3.335 tỷ đồng.

Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm

Chia sẻ về các giải pháp để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh một số điểm “hết sức quan trọng”.

Đó là việc huy động nguồn thông tin từ quần chúng nhân dân, “cần công khai số điện thoại của lực lượng chống buôn lậu các cấp để người dân phát hiện nghi vấn sẽ thông tin lại cho lực lượng chức năng triển khai đấu tranh, xử lý” - Bộ trưởng nói.

Tiếp đó là quan hệ phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các lực lượng chức năng với nhau, cả ở trung ương và địa phương.

Ngoài ra, việc thu thập thông tin trước cũng rất quan trọng. Hiện nay, cơ quan hải quan đang quản lý hàng hóa bằng phương pháp quản lý dựa trên rủi ro, song cũng không thể kiểm soát hết được vi phạm dù đã tăng cường máy soi ở các cửa khẩu, sân bay.

Để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, trước khi thông quan, nếu lực lượng chức năng nhận được tin báo, thông tin đặc biệt về các vụ việc vi phạm thì sẽ thuận lợi cho việc ngăn chặn, đấu tranh bắt giữ.

Để làm được, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, như tập trung vào cảng biển, cửa khẩu; lựa chọn mặt hàng xăng dầu, ma túy, hàng điện tử, động vật hoang dã, ngà voi, sừng tê tê… để triển khai thu thập thông tin.

Ở nội địa, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế mở Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài và triển khai ứng dụng nộp thuế điện tử trên thiết bị di động.

Những cải cách này kỳ vọng sẽ quản lý tốt hơn các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cũng như các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới để hạn chế phần nào vi phạm trên các kênh mua bán này.