Ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao
Kết quả biểu quyết thông qua nghị quyết

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua địa phận 20 địa phương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM;

Hình thức đầu tư của dự án là đầu tư công. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 1.713.548 tỷ đồng, do nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035.

Dự án được đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha, sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Trong quá trình triển khai, dự án được áp dụng 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong đó bao gồm việc: phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp trong trường hợp dự toán NSNN bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ; huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài…

Dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), mức vốn bố trí mỗi kỳ KHĐTCTH phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của Dự án sang kỳ KHĐTCTH tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh KHĐTCTH và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho Dự án.

Về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, Nghị quyết cho phép Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ;

Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Nghị quyết yêu cầu tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp;

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao
Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Bổ sung đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vào tổ thẩm định thầu

Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai, Nghị quyết quy định khi lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, thành phần tổ thẩm định theo quy định của pháp luật về đấu thầu và bổ sung đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án; xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh dự án đối với các trường hợp: khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án; chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư dự án.

Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được bổ sung danh mục trong KHĐTCTH và bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để triển khai các hoạt động thực hiện trước.

Trong quá trình thảo luận về dự án, một số ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả tài chính, nhất là khả năng thu hồi vốn, khả năng hoàn trả vốn và việc trợ giá cho dự án trong quá trình vận hành, khai thác.

Giải trình nội dung này, UBTVQH cho biết Chính phủ đã tính toán các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn, nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án. Tương tự mô hình các nước trên thế giới, các dự án đường sắt mang lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên doanh thu tính toán hoàn vốn cho Dự án chủ yếu từ nguồn thu vận tải, khai thác thương mại để cân đối cho chi phí vận hành, bảo dưỡng phương tiện, bảo trì kết cấu hạ tầng và trả phí hạ tầng cho Nhà nước.

Theo đó, trong 4 năm đầu khai thác, doanh thu chỉ bù đắp được chi phí vận hành, bảo trì phương tiện, do đó Nhà nước cần hỗ trợ một phần từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như hiện nay để bảo trì kết cấu hạ tầng.

Về nguồn vốn cho dự án, UBTVQH cho hay dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn. Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho dự án khoảng 538 tỷ đồng (sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư) đã được cân đối trong KHĐTCTH của Bộ Giao thông vận tải; giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 841.707 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 871.302 tỷ đồng.

Theo Luật Đầu tư công năm 2019, hiện nay đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn chỉ có thể thực hiện theo KHĐTCTH 5 năm, phần chuyển tiếp sang giai đoạn sau không quá 20% kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước.

Dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn, nên việc xác định khả năng cân đối vốn là chưa có quy định. Do đó, Nghị quyết đã quy định Dự án được bố trí vốn qua các kỳ KHĐTCTH, mức vốn bố trí mỗi kỳ trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công./.