Những động thái từ bên ngoài

Đầu tháng 5/2022, Fed đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm và đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của Fed trong năm 2022, bởi trước đó họ đã có một lần tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3. Không chỉ dừng ở đây, Fed còn có kế hoạch tăng hai lần lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào hai cuộc họp tháng 6 và tháng 7 tới.

Động thái tăng lãi suất của Fed diễn ra trong bối cảnh số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 ở Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo và đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981. Lạm phát không chỉ diễn ra ở Mỹ mà cũng là vấn đề đáng quan tâm ở khu vực châu Âu.

Dự báo đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác do Fed tăng lãi suất.
Dự báo đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác do Fed tăng lãi suất.

Trước động thái trên từ thị trường tài chính quốc tế, Việt Nam có thể cũng đối diện với nguy cơ nhập khẩu lạm phát và chịu sức ép siết chặt tiền tệ hay không? Trao đổi với phóng viên TBTCVN về vấn đề này, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho biết, nguy cơ nhập khẩu lạm phát là khá rõ ràng bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu Việt Nam từ các nước khác là khá lớn. Trong khi đó, khó khăn khác mà Việt Nam đang phải đối diện là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc cũng bị hạn chế do chính sách “không Covid” của Trung Quốc. Tuy nhiên theo ông Linh, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Việt Nam vẫn đang cố gắng không thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, đặc biệt là với các lĩnh vực ưu tiên. “Đây có thể sẽ là một thách thức lớn cho Việt Nam trong việc thực thi chính sách tiền tệ trong thời gian tới”- ông Linh nhận xét.

Thách thức trong nước

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, các chỉ số giá đến hết tháng 4/2022 cũng chưa thực sự cho thấy sự bùng nổ đáng lo ngại. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 4/2022 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, điều lo ngại trong tương lai vẫn có thể xảy ra, bởi diễn biến dịch Covid-19 của Việt Nam có độ trễ hơn so với một số quốc gia khác. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu mà các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cũng sẽ có một độ trễ nhất định nên qua một thời gian mới thể hiện tại giá bán ra. Trong bối cảnh này, ông Linh cho biết, để vẫn giữ được lãi suất đầu ra thấp thì ngành ngân hàng sẽ phải cần kiểm soát rất chặt chẽ tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, một số giải pháp đồng bộ khác cũng cần phải thực thi, trong đó có việc điều phối tốt thanh khoản của hệ thống ngân hàng, điều hòa linh hoạt thị trường mở và thị trường liên ngân hàng…

Diễn biến cụ thể về giá cả các nhóm hàng thời gian qua

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI tháng 4/2022, có 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.

Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có mức tăng cao nhất với 1,16%; tiếp đến là nhóm giáo dục tăng 0,96%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,58%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%.

Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức giảm 0,59%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia quốc tế gần đây cũng cho biết, Việt Nam cũng cần tận dụng tối đa ưu thế tương hỗ từ thị trường các nước trong khu vực để làm động lực phục hồi sau đại dịch.

Báo cáo mang tên “Những thách thức và cơ hội cho Việt Nam từ RCEP” do Ngân hàng Standard Chartered mới xuất bản gần đây cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo Standard Chartered, RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại và thúc đẩy quá trình phục hồi hậu đại dịch. Các mặt hàng xuất khẩu chính hưởng lợi từ RCEP bao gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ô tô và viễn thông. Trong dài hạn, hiệp định này sẽ tạo ra nền tảng để tạo dựng một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, trong đó vai trò của Việt Nam là hết sức quan trọng.

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, RECP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Hiệp định này sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.