Thực hiện 68,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra

Theo ông Vũ Mạnh Cường, trong năm, cơ quan thuế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) một số mặt hàng xuất khẩu như: tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản; doanh nghiệp (DN) rủi ro cao về hoá đơn, các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có dư địa thu lớn; các DN có giao dịch liên kết, DN kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2022, toàn ngành đã thực hiện được 68,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 779,3 nghìn hồ sơ khai thuế của DN; đã kiến nghị xử lý tài chính 63,3 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng); giảm khấu trừ, giảm lỗ và xử lý tài chính khác 44,3 nghìn tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính 4,1 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Cùng với đó, ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT đối với 18 DN trong nước, gồm: 6 DN là chủ sở hữu sàn TMĐT, 9 DN là trung gian thanh toán, 3 DN là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế đã hoàn thành và ban hành quyết định xử lý đối với 12 DN, với tổng số xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 86,8 tỷ đồng; giảm lỗ 947 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế GTGT 113 tỷ đồng.

Không chỉ chú trọng vào công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thuế còn thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, đảm bảo nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời. Cơ quan thuế đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai trong toàn ngành ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác; chú trọng việc rà soát thông tin NNT trên ứng dụng, kịp thời đôn đốc NNT bổ sung thông tin thay đổi, gửi cơ quan thuế để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế.

Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực rủi ro cao

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm 2022, cơ quan thuế đã ban hành 18.085 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 132.521 tỷ đồng. Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước cung cấp, tính đến thời điểm báo cáo, tổng số tiền đã chi hoàn thuế GTGT từ dự toán năm 2022 là 131.652 tỷ đồng.

Ông Vũ Mạnh Cường cho rằng, việc cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đã tạo điều kiện giúp DN quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Song việc tăng cường công tác quản lý hoàn thuế cũng đã giúp kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tiếp nhận và xử lý trên 9 triệu tờ khai thuế

Nhờ tăng cường công tác đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế (NNT), công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và tạo được những chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 9 triệu tờ khai, chiếm 96% trên tổng số tờ khai NNT phải nộp, trong đó tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn đạt 98%. Ngành Thuế cũng đã lập và gửi 88.167 biên bản xử phạt vi phạm chậm nộp hồ sơ khai thuế điện tử đối với 118.914 hồ sơ khai thuế cho 75.258 NNT.

Lãnh đạo Cục Thanh tra – kiểm tra cho hay, để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và gian lận trong hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo nghiệp vụ về hoàn thuế đối với các cục thuế, chỉ đạo toàn ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các DN hoàn thuế có rủi ro cao, phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh; xây dựng ứng dụng xác minh hóa đơn và tổ chức tập huấn để triển khai.

Thực hiện chỉ đạo trên của Bộ Tài chính, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, năm 2023, ngành Thuế chủ động triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, DN có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn; DN có giao dịch liên kết, TMĐT, bất động sản, DN kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế cũng tổ chức công tác giám sát đoàn thanh tra theo đúng quy định; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng quy trình thanh tra, kiểm tra; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giám sát thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử.

Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của NNT trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với DN có rủi ro cao về thuế, không để DN lợi dụng chủ trương hỗ trợ DN của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho NNT…