2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,7% - 3,92% |
Sáng ngày 30/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 10 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2024.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Minh |
Công tác quản lý điều hành giá rất hiệu quả, nhịp nhàng
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều thống nhất với báo cáo kết quả công tác quản lý, điều hành giá trong 10 tháng năm 2024.
Ở góc độ bộ ngành, đại diện Bộ Công thương cho biết, thực hiện vai trò thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao; tổ chức tốt công tác thông tin, dự báo, đánh giá tình hình để đề xuất kiến nghị lên Chính phủ các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, thị trường hàng hóa chung trong tháng 10 tương đối ổn định, nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng khi vào giai đoạn chuyển mùa. Nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Giá rau xanh, củ quả tại các tỉnh phía Bắc đã giảm hơn so với tháng trước nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn cung được cải thiện...
Đánh giá về công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân nhấn mạnh, công tác điều hành giá đều tốt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong năm 2024 đã đưa được 4 mặt hàng là điện, dịch vụ y tế, giáo dục, lương đưa vào công tác quản lý giá có lộ trình, nhịp nhàng.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Đức Minh |
"Công tác điều hành giá rất nhịp nhàng và tổ chức tuyên truyền tốt, đặc biệt giá điện tăng 4,8% cũng không có dư luận tiêu cực về vấn đề này. Như vậy trong năm 2024 công tác điều hành giá rất tốt, Ban chỉ đạo điều hành giá hoạt động rất hiệu quả, trong đó cơ quan thường trực Bộ Tài chính đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan" - bà Mai Thị Thu Vân nói.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 3 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,98% - 1,95% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5% theo mục tiêu đề ra. |
Bà Mai Thị Thu Vân cũng cho biết một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới để kiểm soát giá thị trường tốt hơn.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới và trong nước để kịp thời xử lý; nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo thị trường; đảm bảo cung ứng lưu thông hàng hóa dịp cuối năm... Đáng chú ý, trong dịp cuối năm thông thường giá sẽ tăng, vì vậy ngay từ bây giờ các bộ, ngành cần có chỉ đạo quyết liệt là không làm tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng lương thực thực phẩm có giá trị cao trong rổ hàng hóa.
Lưu ý về kịch bản lạm phát, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê có dự báo tương đồng, 3,7%-3,92%, các tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn. Năm nay chắc chắn chúng ta đạt chỉ tiêu lạm phát đề ra trong năm 2024.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu về giá cả
Sau khi nghe các ý kiến của bộ, ngành cũng như đánh giá cao công tác điều hành giá trong 10 tháng qua, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, 10 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa có nhiều tác động khách quan như ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine... Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, giám sát của Quốc hội và sự nỗ lực của Ban chỉ đạo điều hành giá đã đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% và lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Để ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm.
Nhấn mạnh việc tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu tiêu dùng cho nhân dân rất quan trọng, Phó Thủ tướng đã đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... phải chú trọng vấn đề cung cầu trong những tháng cuối năm, khi cung cầu đảm bảo thì giá sẽ ổn định. Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu hàng hóa dịp tết tăng cao, cần phải có dự trữ hàng hóa và phải chuẩn bị sớm.
Đặc biệt, cần chú ý đến công tác điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là bão lũ vừa qua nên các bộ ngành sử dụng đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ gạo cho người nghèo từ Quỹ dự trữ quốc gia, từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cần rà soát kỹ các văn bản quản lý, điều hành giá sao cho thống nhất và đồng bộ theo Luật Giá 2023 và các văn bản pháp quy liên quan để kịp thời sửa chữa, bổ sung để lấy đó làm kim chỉ nam cho công tác quản lý giá. |
Về giải pháp chung, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành theo dõi sát diễn biến của hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là hàng hóa chiến lược, để diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị tác động đến hàng hóa trong nước thì chúng ta đưa ra kịch bản, giải pháp hết sức chủ động, linh hoạt để đối phó...
Song song đó, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giả theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.
Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận. Công khai minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.